Trong 2 tuần qua, nước Pháp cùng với Mỹ rơi vào tâm bão bạo lực do căng thẳng với cộng đồng đạo Hồi, sau khi bộ phim “Sự vô tội của người Hồi giáo” sản xuất tại Mỹ và một bức biếm họa đấng tiên tri Mohamet được đăng tải trên tờ Charlie Hebdo của Pháp.

tranh%20biem%20hoa.jpg
Bìa tạp chí Charlie Hebdo "cười cợt" nhà tiên tri Muhammad (Ảnh: AFP)

Khác với Mỹ, khi thái độ phản đối chủ yếu là ở nước ngoài, thì tại Pháp, cơn phẫn nộ còn sục sôi ngay trên đường phố Paris và nhiều thành phố lớn. Tại sao những câu chuyện xung đột giữa Pháp với cộng đồng Hồi giáo lại nhanh chóng bùng phát như thế và thực chất xung đột đó là gì ? PV VOV thường trú tại Pháp trao đổi về vấn đề này với ông Odon Vallet, chuyên gia về luật công cộng và tôn giáo tại trường Đại học Paris 1 Pantheon Sorbonne.

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về cơn giận dữ sục sôi trong cộng đồng Hồi giáo trong những ngày này? Phải chăng bộ phim ở Mỹ hay bức biếm họa tại Pháp chỉ là những giọt nước làm tràn ly, động chạm vào những căng thẳng vốn đã sâu sắc, nay có dịp bùng nổ?

Ông Odon Vallet: Tại Pháp có hơn 4 triệu người theo đạo Hồi và về tổng thể quan hệ giữa Hồi giáo với xã hội Pháp khá tốt. Có những kẻ cực đoan, nhưng đa số những người theo đạo Hồi ở Pháp là theo chủ nghĩa hòa bình. Nhưng tiếc là có những hành động khiêu khích ở Pháp cũng như ở Mỹ.

Ở Pháp là vụ đăng tranh biếm họa cũng như bộ phim “Sự vô tội của người hồi giáo” ở Mỹ đã làm thổi bùng cơn giận dữ của những người theo đạo Hồi. Tình hình rất phức tạp, nhất là khi nước Pháp có nhiều công dân, các trường học của Pháp tại nhiều nước hồi giáo trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, ở Indonesia, Malaysia… Có một số lượng người theo đạo Hồi có thái độ rất căng thẳng, có thể đối đầu với nước Pháp khi xảy ra một vụ việc từ một tờ báo không mấy uy tín.

Thêm vào đó, bộ phim và bức biếm họa được tung ra vào thời điểm tồi tệ, khi có nhiều căng thẳng ở những nước Hồi giáo ở Trung Đông như từ Syria và cả nhiều nước châu Phi nơi có rất nhiều người Pháp. Trong bối cảnh đó, bộ phim và bức biếm họa rất dễ đẩy cao lòng căm thù. Chúng ta đã thấy Đại sứ Mỹ tại Libya cùng 3 người Mỹ khác bị giết. Tôi chỉ mong rằng bức tranh biếm họa từ tờ báo của Pháp không dẫn đến một câu chuyện tồi tệ tương tự. 

Ông Odon Vallet

PV:Tại sao khác với ở Mỹ, làn sóng phản đối chủ yếu là ở nước ngoài, nhằm vào người Mỹ và các cơ quan của Mỹ ở nước ngoài, thì tại Pháp, cơn phẫn nộ sục sôi trong chính nội bộ nước Pháp, thưa ông ?

Ông Odon Vallet:Ở Pháp, trong chính trị nội bộ, có phe cực hữu khá mạnh mà đại diện là Đảng Mặt trận dân tộc do bà Marine Le Pen đứng đầu. Đảng này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, kỳ thị với đạo Hồi, có xu hướng đánh đồng nhập cư với đạo Hồi, trong khi nhiều người nhập cư ở Pháp theo thiên chúa giáo hoặc không tôn giáo. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế- chính trị- xã hội khiến ngày càng nhiều người Pháp coi thủ phạm của khủng hoảng là những người nhập cư, cho rằng chính những người nhập cư không có nghề nghiệp, sống lang thang trong các khu ngoại ô đã gây ra tình trạng bất an ninh của nước Pháp. Đó là lý do tại sao một sự việc không có gì là lạ như vụ tranh biếm họa hay những việc đội khăn trùm đầu… cũng có thể thổi bùng căng thẳng giữa Pháp và cộng đồng đạo Hồi.

Khủng hoảng kinh tế quá sâu sắc và nặng nề đến toàn xã hội. Ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng các bạn vẫn nằm trong một khu vực châu Á- Thái Bình Dương rất năng động, còn chúng tôi ở trong một khu vực kinh tế đã già cỗi. Tình trạng thất nghiệp cao, khả năng tiêu dùng giảm mạnh, khiến nền kinh tế Pháp khó lòng trụ được lâu. Nếu không giải quyết cả những vấn đề kinh tế - xã hội đó thì trong tương lai sẽ làm tăng lên đỉnh điểm lòng căm thù giữa người Pháp với người theo đạo Hồi. 

PV:Tình hình nghiêm trọng khiến cảnh sát Pháp đã phải bác bỏ các đơn xin tổ chức biểu tình trên đường phố Paris và một số thành phố lớn. Về khía cạnh luật công cộng, liệu lệnh cấm biểu tình có phải là trái luật ở Pháp – nơi mà xưa nay quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện thái độ luôn được tôn trọng không, thưa ông?

Ông Odon Vallet:Ở nước ngoài, nhiều nước theo đạo Hồi đã phải cấm biểu tình ở trước cửa đại sứ quán Pháp chẳng hạn. Có ranh giới rất mong manh giữa việc tôn trọng quyền và nguy cơ lạm dụng quyền, như việc lạm dụng tự do báo chí để đăng tải một bức biếm họa, hay lạm dụng một cuộc biểu tình hòa bình để gây bạo loạn.

Ở Pháp đã phải cấm biểu tình vì lo sợ những thiệt hại nặng nề. Vẫn biết là phải tôn trọng quyền tự do của con người trong đó có quyền được biểu tình để bày tỏ thái độ, nhưng tôi cho rằng, lo ngại về bạo lực cũng là một lý do đúng đắn. 

PV:Vâng, nhiều người cũng đang tranh luận về ranh giới giữa tôn giáo và trường phái biếm họa. Cả hai đều phần nào thuộc tự do của con người, tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt thái độ trước cuộc sống. Ông nghĩ sao về ranh giới này ?

Ông Odon Vallet:Tôn giáo khó có thể song hành với chủ nghĩa biếm họa. Những tín đồ của tôn giáo nào cũng không thích việc chế nhạo tôn giáo hay niềm tin của họ. Mọi dân tộc cũng đều có riêng những nhân vật mà không thể chế nhạo, biếm họa được. Ví dụ như dân tộc Việt Nam của các bạn, có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi là một người nước ngoài nhưng cũng vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường tới thăm Lăng của Chủ tịch mỗi lần sang thăm Việt nam.

Do đó, tôi cho rằng phải hiểu và tôn trọng lòng tin của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, trong đó có lòng tin của họ với một nhân vật. Dù có thể tranh luận tự do về những nhân vật đó, nhưng cũng phải tránh mọi điều có thể gây tổn hại đến cả một dân tộc tôn trọng nhân vật đó. 

PV:Hiện Cộng đồng Hồi giáo tại Pháp đã tuyên bố sẽ kiện tờ Charlie Hebdo. Ông đánh giá như thế nào về vụ kiện này ?

Ông Odon Vallet:Thực ra, tờ Charlie Hebdo đã chịu nhiều vụ kiện, trong đó liên quan đến cả đạo Thiên Chúa như đăng tranh không tôn trọng Đức Giáo hoàng. Rất khó dự đoán về vụ kiện. Tòa án sẽ làm việc họ cần, nhưng tiến trình xét xử ở Pháp khá chậm, từ việc chuẩn bị hồ sơ cho tới xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết vụ án, nhiều khi mất nhiều tháng. 

PV: Cuối cùng, ông dự đoán thế nào về tình hình căng thẳng trong những ngày tới ?

Ông Odon Vallet: Nước Pháp đã có nhiều biện pháp thận trọng để làm dịu tình hình nhưng cũng không thể chắc chắn tình hình nghiêm trọng nhất sẽ không xảy ra. Nước Pháp có rất nhiều công dân sinh sống, làm việc tại các nước đạo Hồi, nhiều người mang hai quốc tịch, nhiều giáo sư, học sinh, cán bộ những người đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế- văn hóa giữa Pháp với các nước đó. Hy vọng rằng, lý trí sẽ giúp những nhóm người quá phẫn nộ trở lại bình tình hơn và bạo lực không xảy ra.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.