Tại Tây Ban Nha ngày 30/9, hàng trăm người tập trung trước tòa thị chính thành phố Barcelona để biểu tình phản đối việc Tòa án Hiến pháp tối cao trước đó một ngày đã ra phán quyết đình chỉ cuộc trưng cầu ý dân ngày 9/11 tới tại Catalan về nền độc lập cho khu vực tự trị này. Diễn biến này cho thấy, những nỗ lực của chính quyền ở Madrid nhằm ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân này chưa chắc đã giải quyết được tận gốc vấn đề ở Catalan. 

pro_independence_catalans_011_dudg.jpgNgười biểu tình xứ Catalan (ảnh: Getty)

Quyết định của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha được đưa ra sau khi xem xét các đơn kháng cáo của Chính phủ Tây Ban Nha, yêu cầu tuyên bố đạo luật và sắc lệnh mà chính quyền vùng Catalan thông qua trước đó về tổ chức cuộc trưng cầu dân ý là không phù hợp với Hiến pháp. Chính phủ Trung ương Tây Ban Nha cho rằng, một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của bất cứ khu vực nào trên đất nước Tây Ban Nha phải được tổ chức trên toàn bộ lãnh thổ thay vì chỉ diễn ra tại vùng đất đó.

Theo luật, chính quyền Catalan đã tuyên bố tạm đình chỉ chiến dịch kêu gọi trưng cầu ý dân về nền độc lập của vùng đất này. Tuy nhiên, bất chấp trời mưa lớn, hàng trăm người biểu tình và một số chính trị gia ở Catalan ngày 30/9 vẫn đứng trước cửa tòa thị chính Barcelona với biểu ngữ “Chúng tôi muốn tự do” để phản đối quyết định của Tòa án. Trong số này có lãnh đạo và những thành viên chủ chốt của đảng cánh tả “Nền Cộng hòa còn lại của Catalan” (ERC), đảng duy nhất có truyền thống luôn ủng hộ xứ Catalan tách khỏi Tây Ban Nha.

Nghị sỹ đảng này, ông Alfred Bosch cho biết: “Chúng tôi sẽ tập hợp mọi người và chúng tôi cam kết sẽ có 1 cuộc bỏ phiếu. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tổ chức một cuộc bỏ về nền độc lập cho vùng đất này”.

Trong khi đó, người phát ngôn của chính quyền xứ Catalan Francesc Homs cùng ngày cho biết, họ sẽ trình lên Tòa án Hiến pháp những lý lẽ để lật ngược lại quyết định đình chỉ trưng cầu ý dân. Ông nhấn mạnh, “dù phải rút lại chiến dịch vận động bỏ phiếu trưng cầu ý dân, chính quyền xứ Catalan vẫn không bỏ cuộc”.

Trước đó, lãnh đạo xứ Catalan Artur Mas cũng đã công bố cái gọi là “sách trắng về nền độc lập của xứ Catalan”, trong đó chỉ ra tính khả thi về nhiều mặt của kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha. Ông Atơ Mát tuyên bố: “Ngăn cản xứ Catalan bỏ phiếu theo cách này hay cách khác không phải là trách nhiệm mà Chính phủ được người dân ủy thác. Họ chống lại luật đã được Quốc hội xứ Catalan thông qua bằng việc kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp. Điều này cho thấy chúng ta đang có một Chính phủ đối địch với những gì người dân xứ Catalan mong muốn”.

Giới phân tích nhận định, trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” của kế hoạch trưng cầu ý dân tại Catalan, khi mà phải mất nhiều năm Tòa án Hiến pháp mới đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này, người đứng đầu xứ Catalan Artur Mas có thể sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử địa phương sớm. Ông Artur Mas cũng từng dùng cuộc bầu cử địa phương cách đây 2 năm như một cuộc thăm dò dư luận về sự ủng hộ đối với phe chủ trương tách khỏi Tây Ban Nha. Và kết quả khi đó có đến 2/3 số nghị sỹ khu vực được bầu ủng kế hoạch này trong 1 cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ cử tri tham gia đông nhất trong vòng 3 thập kỷ qua.

Nếu không thể tổ chức 1 cuộc trưng cầu ý dân chính thức, một số nhà vận động chính trị ủng hộ việc tách ra khỏi Tây Ban Nha mong muốn các chính trị gia xứ Catalan thúc đẩy 1 cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề này vào tháng 11 tới. Tuy không mang tính pháp lý nhưng kết quả của cuộc bỏ phiếu này nếu thiên về hướng Catalan tách khỏi Tây Ban Nha thì sẽ là đòn giáng mạnh vào chính quyền ở Madrid.

Hiện tại, việc Tòa án Hiến pháp hoãn trưng cầu ý dân về nền độc lập của xứ Catalan cũng đã khiến trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha ngày 30/9 giảm nhẹ do các nhà đầu tư lo ngại đất nước vừa “chân ướt chân ráo” thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế này sẽ mất đi 1 khu vực giàu có đóng góp đến 1/5 tổng sản phầm quốc nội (GDP) và 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha. Hãng xếp hạng tín dụng uy tín thế giới Fitch cũng đặt mức xếp hạng tín dụng BBB của xứ Catalan trong triển vọng tiêu cực./.