Khủng hoảng chính trị Venezuela tiếp tục châm ngòi cho những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 24/1 thông báo quyết định đóng cửa Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự của nước này tại Mỹ. Động thái được đưa ra một ngày sau khi ông Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ cùng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai kích động một cuộc đảo chính tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tổng thống Nicolas Maduro tại tòa án tối cao Venezuela vào ngày 24/1. Ảnh: AP. |
Trong một bài phát biểu với cơ quan tư pháp, ông Maduro cho biết, các cán bộ và nhân viên ngoại giao Venezuela sẽ trở về nước ngay trong tuần này, đồng thời nhắc lại thời hạn 72 giờ mà Chính phủ Venezuela đã đưa ra đối với các nhà ngoại giao Mỹ để rời khỏi Venezuela.
Ông Maduro nói: “Tôi đã quyết định triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Venezuela về nước, đồng thời đóng cửa các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự của Mỹ tại Venezuela. Không còn gì phải nghi ngờ rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đưa một Chính phủ không chính thức, không Hiến pháp chống lại người dân và nền dân chủ ở Venezuela lên cầm quyền. Chính quyền Mỹ tin rằng, họ là cảnh sát của thế giới, bá chủ của các quốc gia Mỹ Latin và Caribe”.
Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị một số nhân viên Chính phủ Mỹ rời khỏi Venezuela, đồng thời khuyến cáo các công dân Mỹ cân nhắc rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này trong khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (24/1) cũng đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp về tình hình tại Venezuela vào ngày mai (26/1).
Tại cuộc họp của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) một ngày trước đó, ông Pompeo đã công khai mô tả chính quyền của Tổng thống Maduro không hợp hiến trong khi thể hiện sự ủng hộ đối với phe đối lập Venezuela.
Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Venezuela trong 2 năm qua nhằm vào quan chức trong chính quyền của Tổng thống Maduro, hạn chế Venezuela tiếp cận thị trường nợ của Mỹ và ngăn chặn các giao dịch với những người liên quan đến giao dịch vàng của Venezuela.
Song cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn không áp đặt trừng phạt trực tiếp đối với lĩnh vực nhập khẩu dầu mỏ – vốn là nguồn thu lợi nhuận lớn của Venezuela. Với những căng thẳng gia tăng cao trào như hiện nay giữa Mỹ và Venezuela, nhiều khả năng, chính quyền Mỹ sẽ áp đặt biện pháp này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, việc áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ chỉ có tác động giới hạn đối với chính quyền của Tổng thống Maduro song lại tác động mạnh tới Mỹ. Bởi lẽ, Venezuela đã hướng hoạt động vận chuyển dầu sang các đối tác khác như: Trung Quốc và Nga trong khi Mỹ lại là nước nhập khẩu một lượng dầu khá lớn từ quốc gia Mỹ Latin này. Vào tháng 10/2018, Mỹ đã nhập 20.000 thùng dầu của Venezuela.
Những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục chia rẽ trong vấn đề Venezuela. Một loạt nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina và Peru, cũng như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận vai trò “Tổng thống lâm thời” tự phong của ông Guaido. Tuy nhiên, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Uruguay, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính./.