Chính phủ Nga lập tức phản ứng, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “vô căn cứ”, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra biện pháp đáp trả.
Đồ họa minh họa về lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Ảnh: United Global Asset . |
Các nhà lập pháp Mỹ hôm qua (21/8) đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” hơn nhằm chống lại các “mối đe dọa” từ Nga liên quan đến một loạt các vấn đề như Ukraine, tình hình Syria, các vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, các cáo buộc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh và các cuộc tấn công mạng.
Theo các nghị sĩ Mỹ, bên cạnh các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Nga, chính phủ Mỹ cần tạo thêm sự “đau đớn” nhiều hơn nữa đối với nền kinh tế Nga nếu nước này không thay đổi hành vi của mình, bất chấp mong muốn cải thiện mối quan hệ từ người đứng đầu chính phủ 2 nước tại hội nghị thượng đỉnh gần đây.
Chỉ trong ngày hôm qua, Quốc hội Mỹ đã tiến hành tới 3 phiên điều trần liên quan tới Nga, đối với các Ủy ban Ngân hàng và Quan hệ Đối ngoại cùng 1 tiểu ban Tư pháp chống khủng bố. Thượng Nghị sĩ Mike Crapo của Đảng Cộng hòa cho biết, tại các phiên điều trần này, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được sự thống nhất “mạnh mẽ chưa từng có” về việc Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa để trừng phạt Nga.
Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea nêu rõ, Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal mà Moscow bị cáo buộc là chủ mưu. Theo ông, Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt theo thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và sẽ đưa ra những phương án tiếp theo với nhiều mức độ cứng rắn khác nhau dựa trên cách thức phản ứng của nước Nga.
Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Sigal Mandelker còn cảnh báo sẽ tìm cách cắt giảm nguồn đầu tư nước ngoài của Nga.
Giới chức Mỹ đưa ra các tuyên bố trên ngay sau khi Bộ Tài chính nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải thủy và 6 tàu của Nga với cáo buộc tham gia hoạt động chở xăng dầu tinh chế cho các tàu của Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công dân Nga, 1 công ty Nga, 1 công ty của Slovakia với lý do những cá nhân và công ty này đã giúp 1 công ty khác của Nga né tránh những biện pháp trừng phạt liên quan đến những hoạt động trên mạng mà Mỹ cho rằng “có hại”.
Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow không thấy có bất kỳ bằng chứng hay lý do gì để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này. Và rằng các cáo buộc nhằm vào Nga mà Mỹ đưa ra là “lừa dối”.
Quan hệ Nga – Mỹ lại sóng gió vì các lệnh trừng phạt
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Anh đã quá đề cao quan điểm của nước này và cố tình áp đặt các chính sách thù địch của London về Moscow đối với EU và Mỹ: “Về bản chất, các đồng nghiệp Anh của chúng tôi có một quan điểm tự đề cao bản thân. Một quốc gia sắp rời khỏi Liên minh châu Âu, lại háo hức áp đặt chính sách đối ngoại của mình cho Khối Liên minh này, thậm chí cả lên Mỹ đối với những chính sách về Nga”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ gia tăng như vậy, nhiều người dân “xứ cờ hoa” vẫn tin rằng việc cải thiện quan hệ với Nga quan trọng hơn các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại nước này.
Theo kết quả thăm dò mới đây do hãng Gallup tiến hành và công bố trong ngày hôm nay (22/8), có tới 58% số người Mỹ được hỏi mong muốn chính quyền sẽ cải thiện quan hệ với Nga thông qua các biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, chỉ có 36% số người được hỏi tin vào sức nặng của các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế cứng rắn./.