Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/6 tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn đơn phương của Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông và kêu gọi các bên dừng tất cả hoạt động quân sự.

Động thái hòa giải của Nga đưa ra sau khi Nga đặt quân đội trong tình trạng báo động cao gần khu vực biên giới với Ukraine, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu cảnh báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. 

luc%20luong%20noi%20day%20dong%20ukraine_nsmu_kzhi.jpg 

Lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine (ảnh: ukzambians.co.uk)

 

Kế hoạch hòa bình gồm 15 điểm do Tổng thống Ukraine Poroshenko đưa ra nhằm giải quyết tình hình tại miền Đông, nhấn mạnh những biện pháp nhằm khôi phục hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương, lập lại trật tự an ninh khu vực, giải giáp các lực lượng vũ trang bất hợp pháp, sửa đổi hiến pháp Ukraine theo hướng phi tập trung hóa quyền lực. Một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần cũng bắt đầu được áp dụng từ đêm 20/6 vừa qua.

Phát biểu trên truyền hình hôm 21/6, Tổng thống Poroshenko cho biết, kế hoạch hòa bình của ông đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế: “Toàn bộ cộng đồng quốc tế ủng hộ cho kế hoạch hòa bình của tôi như Tổng thống Mỹ, Pháp, Thủ tướng Đức, Anh và nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Tổng thống Nga Putin cũng đánh giá tích cực quyết định của Ukraine ngừng bắn và ủng hộ những bước đi cụ thể đối với kế hoạch hòa bình của tôi, giúp giảm căng thẳng trong khu vực. Rõ ràng không có lựa chọn nào khác tốt hơn hòa bình”.

Các nhóm vũ trang tại miền Đông Ukraine cũng cho biết sẵn sàng xem xét thỏa thuận hòa bình. Nếu kế hoạch này được thực hiện, nhóm sẽ dừng các hoạt động của mình. Những tuyên bố của các bên liên quan đang cho thấy một hi vọng mới giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine còn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành hiện thực. Mặc dù lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn đơn phương của phía Chính phủ Ukraine, Tổng thống Putin cũng cảnh báo kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ không hiệu quả nếu không có hành động bắt đầu các cuộc đối thoại hòa bình.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, phần lớn các điểm của bản kế hoạch hòa bình mang màu sắc của một tối hậu thư, không có điều cốt yếu là đề xuất đối thoại và điều này đi ngược lại thỏa thuận Geneva ngày 17/4.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Nga Putin ngày 21/6 đã ra quyết định tiến hành kiểm tra đột xuất toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân khu miền Trung trong khoảng thời gian từ 21 đến 28/6. Động thái này của Nga đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và Liên minh châu Âu. NATO lên tiếng chỉ trích hành động của Nga đang làm gia tăng căng thẳng, trong khi các quan chức Mỹ cáo buộc quân đội Nga đang quay trở lại khu vực gần biên giới bất ổn phía Đông. 

Trước đó, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp và Đức điện đàm nhất trí sẽ trừng phạt nghiêm khắc nếu Nga không có các bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực. Canada hôm 21/6 cũng thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Những hành động này của các bên có thể làm gia tăng căng thẳng cũng như làm phức tạp thêm nỗ lực khôi phục hòa bình tại Ukraine. Lo ngại trước viễn cảnh kế hoạch hòa bình không được thực hiện, các cuộc giao tranh và đụng độ tiếp tục diễn ra tại khu vực miền Đông Ukraine trong ngày 21/6, một ngày sau lệnh ngừng bắn đơn phương được đưa ra, gây tổn thất cho cả hai bên./.