Trong một bước đi được xem là nhằm làm dịu căng thẳng tại khu vực miền Đông, Tổng thống Ukraine Petro Porochenko hôm qua (20/6) tuyên bố ngừng bắn 1 tuần. Tuy nhiên, động thái này đã bị những người biểu tình đòi ly khai tại miền Đông bác bỏ và phía Nga chỉ trích chính quyền Ukraine đang tìm cách gia tăng sức ép thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

luc%20luong%20noi%20day%20dong%20ukraine_nsmu.jpgLực lượng nổi dậy ở đông Ukraine (ảnh: ukzambians.co.uk)
Tổng thống Ukraine Porochenko hôm qua thông báo đã ra lệnh cho tất cả các lực lượng an ninh nước này ngừng bắn trong vòng 1 tuần tại khu vực miền Đông, song đồng thời ông Porochenko cũng cảnh báo: lực lượng ly khai có thể phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu không tận dụng cơ hội để buông súng.

 

Những bước đi được xem là hướng tới hòa bình này của Tổng thống Ukraine đưa ra chỉ vài giờ, sau khi ông này có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một kế hoạch nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại miền Đông Nam. Cùng với việc tuyên bố lệnh ngừng bắn, ông Porochenko cũng đưa ra một kế hoạch hòa bình 14 điểm nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn tại miền Đông, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Ngay lập tức, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn của Ukraine và coi đây là một “cơ hội quan trọng”, giúp mở cánh cửa cho đối thoại, cũng như việc thực hiện các kế hoạch hòa bình ở Ukraine.

Trò lừa bịp?

Tuy nhiên, phủ Tổng thống Nga đã lên tiếng cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Porochenko giống như một tối hậu thư cho lực lượng ly khai hơn là một đề nghị hòa bình. Trong khi đó, các lực lượng đòi ly khai tại miền Đông lại tỏ ra hoài nghi và cho rằng, lệnh ngừng bắn là “một trò lừa bịp” của chính phủ để tìm cơ hội tấn công lực lượng này. Nhiều người dân tại khu vực miền Đông cũng cho rằng, sẽ không thể có hòa bình nếu quân đội Ukraine không rút hoàn toàn khỏi khu vực.

Lo ngại của chính phủ Nga và những hoài nghi của khu vực miền Đông không phải là không có lý khi chính quyền lâm thời Ukraine, với sự hẫu thuận của Mỹ và phương Tây, vẫn quyết không từ bỏ chiến dịch trấn áp người biểu tình đòi ly khai tại miền Đông.

Mặt khác, nhằm gia tăng sức ép với Nga, vốn lâu nay bị chính quyền Ukraine và phương Tây cáo buộc đứng đằng sau những bất ổn tại miền Đông, chính phủ các nước phương Tây hôm qua cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga, nếu như tình hình căng thẳng tại Ukraine không hạ nhiệt.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, Nga cần hối thúc các nhóm vũ trang đòi ly khai tại miền Đông Nam Ukraine chấm dứt các hành động quân sự, ngăn chặn việc vận chuyển trang thiết bị quân sự qua biên giới với Ukraine và tăng cường kiểm soát biên giới giữa hai nước.  

Theo các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp, các điều kiện nhằm làm dịu căng thẳng và khôi phục các cuộc đàm phán đã hội đủ và hiện chỉ còn đợi những động thái từ phía Nga.

Rõ ràng, những bước đi của tân Tổng thống Ukraine vẫn chưa đủ để làm dịu căng thẳng, cũng  như để khôi phục lòng tin của người dân khi mà chính quyền nước này vẫn bị giằng co giữa các lợi ích Đông- Tây và chưa thực sự hướng tới những lợi ích, cũng như những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân./.