Tunisia lại trải qua những ngày tháng không yên bình, sau vụ ám sát nghị sĩ đối lập Mohamed Brahmi. Theo Cơ quan Hàng không dân sự Tunisia, tất cả các chuyến bay xuất phát và đến nước này trong ngày 26/7 đều bị hủy sau lời kêu gọi tổng đình công của nghiệp đoàn lao động chính tại nước này nhằm phản đối việc sát hại.

Ông Mohamed Brahmi, Tổng Thư ký Đảng Phong trào Nhân dân đối lập và là thành viên Quốc hội Tunisia ngày 25/7 đã bị các tay súng chưa rõ danh tính bắn chết bên ngoài nhà riêng tại Ariana, gần thủ đô Tunis. Vụ việc đã dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ tại nhiều nơi nhằm gây sức ép buộc Chính phủ do người Hồi giáo nắm quyền từ chức.

vo%20con%20lanh%20dao%20doi%20lap%20tunisia.jpg
Vợ con nghị sĩ đối lập Mohamed Brahmi (Ảnh: Press TV)

Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình trước trụ sở Bộ Nội vụ ở thủ đô Tunis. Tổ chức nghiệp đoàn chính ở nước này cũng kêu gọi tiến hành một cuộc tổng đình công trên cả nước nhằm phản đối vụ việc. Trong bối cảnh này, hãng Hàng không Tunisia đã thông báo hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Tunisia trong ngày hôm nay (26/7).

Vụ ám sát ông Brahmi diễn ra khoảng nửa năm sau vụ ám sát ông Chokri Belaid, một nhân vật đối lập cấp cao khác và là thủ lĩnh liên minh Mặt trận Dân tộc cánh tả. Vụ việc này khi đó đã châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại quốc gia Bắc Phi này mà sau đó khiến chính phủ của cựu Thủ tướng Hamadi Jebali phải từ chức. Vì thế vụ ám sát lần này một lần nữa thổi bùng lên những căng thẳng âm ỉ trên chính trường Tunisia. 

Trong một tuyên bố, thủ lĩnh đảng Ennahda Rached Ghannouchi đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu, đồng thời khẳng định, có một số kẻ đang tìm cách đưa đất nước trở lại thời kỳ nội chiến và gây rối loạn tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki đã gọi đây là “thảm họa quốc gia thứ 2” sau vụ ám sát ông Belaid. Theo ông, thủ phạm tấm thảm kịch này đang muốn chứng minh rằng, cuộc cách mạng đã thất bại và Tunisia đang tự đưa mình vào vòng xoáy bạo lực. Về phần mình, Thủ tướng Tunisia Ali Larayedh kêu gọi người dân Tunisia kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh vụ ám sát này không nên bị lợi dụng để đào sâu thêm những bất ổn và đưa người dân Tunisia đến tình cảnh chém giết lẫn nhau.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 25/7 đã kịch liệt lên án vụ ám sát ông Brahmi, đồng thời kêu gọi sự bình yên ở quốc gia Bắc Phi này. Theo ông, Chính phủ và người dân Tunisia cần nỗ lực để hành động này không làm chệch hướng tiến bộ mà Tunisia đạt được trong quá trình chuyển tiếp dân chủ, bao gồm cả về hiến pháp, và trong việc đáp ứng các nguyện vọng về kinh tế và xã hội của người dân Tunisia.

Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Algeria và Liên minh châu Âu cũng lên án vụ ám sát. Chính phủ  Mỹ đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và minh bạch. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhấn mạnh: “Đây không phải là vụ ám sát chính trị đầu tiên tại Tunisia kể từ sau cuộc cách mạng hồi năm 2011. Không gì có thể biện minh cho những hành động tàn bạo và hèn nhát như vậy tại một đất nước dân chủ như Tunisia. Bạo lực không có chỗ trong tiến trình chuyển tiếp tại Tunisia. Chúng tôi thúc giục chính phủ Tunisia tiến hành ngay lập tức một cuộc điều tra minh bạch và hiệu quả nhằm đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý”.

Dù bước vào một thời kỳ chuyển tiếp khá êm thấm để hướng tới nền dân chủ, song dường như điều này vẫn là không đủ để mang lại bình yên cho quốc gia vỏn vẹn 10 triệu dân này. Căng thẳng tôn giáo và biểu tình bạo lực thường xuyên diễn ra, trong khi nền kinh tế Tunisia chưa hồi phục. Được xây dựng trên những nền tảng không vững chắc, chính phủ của Thủ tướng Jebali cũng từng buộc phải từ chức sau vụ ám sát ông Belaid. Và dư luận lại đặt câu hỏi, liệu chính phủ hiện nay tại Tunisia sẽ lại rơi vào kết cục tương tự sau vụ ám sát thủ lĩnh đối lập Brahmi hay không và rồi tương lại chính trị, kinh tế, xã hội Tunisia sẽ rẽ theo hướng nào?./.