Tuy nhiên, một ngày trước sự kiện, tình hình tại quốc gia Nam Mỹ vẫn khá rối ren. Bất chấp lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống, phe đối lập vẫn quyết tâm tiến hành một cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày mai.

bat_on_truoc_them_bau_cu_venezuela_duvx.jpg
Bất ổn ở Venezuela trước thềm bầu cử Quốc hội lập hiến. (Ảnh: Reuters)

Hơn 6.200 ứng cử viên đã đăng ký tham gia tranh cử vào cơ quan Quốc hội lập hiến gồm 545 ghế, trong đó có 364 người sẽ đại diện cho các địa phương và 181 người đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề.

Tổng thống Nicolas Maduro hi vọng, một khi được thành lập, Quốc hội lập hiến, với nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 sẽ giúp đưa Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay, hướng tới thiết lập hòa bình và ổn định.

Phát biểu trước thềm sự kiện, Tổng thống Nicolas Maduro đã bày tỏ tin tưởng, các cử tri Venezuela sẽ tham dự “ngày hội” của người dân, thực thi quyền tự quyết, quyền công dân, đồng thời kêu gọi phe đối lập tham gia đối thoại vì nền hòa bình của đất nước. Theo Tổng thống Maduro, Quốc hội lập hiến là con đường hòa bình duy nhất của Venezuela.

“Tôi đề nghị phe đối lập từ bỏ hành động biểu tình, khôi phục trật tự Hiến pháp”, ông Maduro nói. “Trong những giờ tới trước thềm cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến, chúng tôi mong muốn tổ chức đối thoại hướng tới một thỏa thuận quốc gia và sự hòa giải cho đất nước Venezuela”.

Trước đó, Chính phủ Venezuela đã ra lệnh cấm biểu tình trên toàn quốc từ ngày hôm qua (28/7), và cảnh báo tất cả những ai cản trở tiến trình thành lập Quốc hội lập hiến sẽ bị phạt tù từ 5 tới 10 năm.

Tuy nhiên, phe đối lập vẫn quyết tâm không từ bỏ ý định biểu tình và ngăn cản bầu cử. Các cuộc biểu tình gây bạo loạn vẫn tiếp diễn và lan rộng. Tính đến hết ngày hôm qua, đã có 113 người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn do biểu tình kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc hôm qua kêu gọi các lực lượng đối lập tại Venezuela tôn trọng sự lựa chọn của người dân nhằm tránh cho cuôc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn nữa.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc nguy cơ bạo lực gia tăng tại Venezuela khi các cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội lập hiến diễn ra vào ngày mai theo lời kêu gọi của Tổng thống Maduro” – Người phát ngôn Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc Elizabeth Throssell nói.

Bà nhấn mạnh: “Mong muốn của người dân Venezuela tham gia hay không vào tiến trình bỏ phiếu này cần phải được tôn trọng. Nếu bạn không muốn không ai có thể bắt buộc, song nếu muốn thì đây là quyền tự do của các bạn”.

Nhằm đảm bảo cho tiến trình bầu cử Quốc hội lập hiến thành công, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đang đứng trước nhiều sức ép, không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế.

Chính phủ Mỹ vừa ra lệnh trừng phạt 13 quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Venezuela, nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Maduro phải từ bỏ kế hoạch tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến.

Tuy nhiên, Tổng thống Maduro tuyên bố không thừa nhận bất cứ lệnh trừng phạt nào của Nhà Trắng, đồng thời khẳng định việc làm của Nhà Trắng là bất hợp pháp và sẽ tiếp tục con đường đã chọn.

Cùng với chính trị, Venezuela đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, một phần bắt nguồn từ sự sụt giảm của giá dầu, vốn đóng góp tới 96% ngoại hối của đất nước.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, lạm phát của nước này gần như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi lên tới 720% trong năm nay.

Trong khi đó, những tháng vừa qua, nền kinh tế Venezuela liên tiếp nhận những tin xấu, mà mới đây nhất là việc tiếp tục có thêm nhiều hãng hàng không quốc tế tạm ngừng cung cấp dịch vụ tới nước này ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến do lo ngại những vấn đề về an ninh.

Theo thống kê, nếu như trong năm 2013 có tới 23 hãng hàng không quốc tế khai thác thị trường Venezuela, thì con số này hiện nay chỉ còn khoảng 10./.