Những động thái này của các nhà lập pháp Mỹ khơi thêm căng thẳng trong quan hệ với Nga nhất là sau khi Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, cũng như về vai trò của Nga trong các cuộc xung đột tại Syria và miền Đông Ukraine.

Cụ thể, 5 nghị sĩ đảng Dân chủ và 5 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa ra các biện phát trừng phạt mới mở rộng, trong đó có cấm thị thực và phong tỏa tài sản, tài chính nhằm vào những nhân vật được cho là đã tiến hành và hỗ trợ các vụ tấn công mạng nhằm vào các văn phòng của đảng Dân chủ Mỹ. 

russia_usa_yngh.jpg
Tình hình quan hệ Mỹ-Nga đang ngày một xấu đi. (ảnh: ITN).

Văn kiện này nếu được thông qua sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt lên các hoạt động đầu tư vào phát triển các dự án hạt nhân dân sự và các đường ống dẫn năng lượng của Nga, đồng thời nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng và tình báo của nước này. Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Barack Obama đã đưa ra bằng các sắc lệnh hành chính hồi tháng trước.

Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Syria, theo đó, 4 sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Obama đã được đưa thành luật. Theo giới phân tích, văn kiện này sẽ tạo ra rào cản lớn cho chính quyền mới của Mỹ nếu tìm cách hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Liên quan với cuộc điều tra vụ tấn công mạng này, ngày 10/1, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết, cơ quan này không tìm thấy bằng chứng về việc Nga đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC).

Ông James Comey khẳng định: “Có bằng chứng về việc Nga can thiệp vào các chiến dịch chính trị cấp bang của Đảng Cộng hòa và xâm nhập các tên miền thư điện tử "cũ" mà Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa hiện không còn sử dụng. Mặc dù thu thập được một số thông tin từ các vụ xâm nhập này, song phía Nga đã không công bố chúng. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ chứng cớ nào cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump, hay Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa hiện nay, đã bị xâm nhập”.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, các tin tặc có thể đã nắm được một số thông tin nhạy cảm về tỷ phú Donald Trump. Nguồn tin của CNN cho biết ông Obama cũng như ông Donald Trump đã được thông báo về khả năng này trong một bản tóm tắt gần đây. 

Trong khi đó, trước những cáo buộc từ phía Mỹ, chính phủ Nga luôn bác bỏ những thông tin nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, khẳng định những cáo buộc này là "vô căn cứ" và càng hủy hoại quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov- Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác để cải thiện quan hệ với chính quyền mới của Mỹ.

Ông Dmitry Peskov cho biết: “Phía Mỹ đã có những cáo buộc vô căn cứ khi cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và sau đó là các lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra nhằm vào Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ có áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thì cũng tôi vẫn hoan nghênh các triển vọng đối thoại”.

Cũng theo ông Peskov, mối quan hệ giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin bị xấu đi, nhưng vẫn còn nhiều triển vọng trong quan hệ giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga. Trong bối cảnh cả ông Putin và ông Donald Trump đều dành cho nhau sự ngưỡng mộ, Nga hy vọng một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ được mở ra trong tương lai.

Quan hệ Nga-Mỹ bị xấu đi trong những năm gần đây, xuất phát từ lập trường khác biệt của hai nước trong cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm tại Syria, cùng với đó là cáo buộc của Mỹ về việc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và rò rỉ các thông tin mật cho công chúng. Chính quyền của Tổng thống Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga về nước, đồng thời đóng cửa 2 khu nhà ở của người Nga tại Mỹ./.