Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu như vậy trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của 7 quốc gia thành viên Hiệp hội này chiều 15/3. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đề xuất nước này sẽ góp 10 triệu USD cho một quỹ chung của khu vực giúp ứng phó với dịch bệnh khó lường này.

modi_covid_19_yeep.jpeg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp trực tuyến của SAARC.

Phát biểu chủ trì cuộc thảo luận trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á về đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng khắp thế giới, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với một trong những thách thức y tế lớn nhất từ trước tới nay. Ông cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, sợ hãi không giúp giải quyết vấn đề. Đoàn kết, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm mới là chìa khóa giải quyết đại dịch. Dựa trên kinh nghiệm ứng phó với Covid-19, nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng phương pháp để có thể chế ngự dịch bệnh là cảnh giác với dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ngăn chặn, và hành động. Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong khu vực cũng là giải pháp hữu hiệu vào lúc này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng chúng ta đang ở vào một tình huống chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta không thể dự báo chắc chắn được tình hình dịch bệnh sẽ phát triển theo chiều hướng nào, ngoại trừ việc chuẩn bị tốt nhất để đối phó. Chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau. Vì vậy, sẽ rất giá trị nếu chúng ta có thể chia sẻ quan điểm. Đây chắc chắn không phải là đại dịch đầu tiên và cuối cùng ảnh hưởng tới chúng ta. Các chuyên gia của chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn nữa về các hậu quả dài hạn và cách thức để giúp nền kinh tế và chuỗi giá trị của chúng ta thỏa ra khỏi tác động của Covid-19.”

Tại cuộc họp trực tuyến, nhà lãnh đạo Ấn Độ đưa ra các sáng kiến chung nhằm giúp các quốc gia khu vực Nam Á đối phó với dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 cũng như xử lý những hệ quả về kinh tế kèm theo. Theo đó, các thành viên SAARC sẽ lập ra một quỹ ứng phó với Covid-19 của khu vực nhằm giúp các thành viên xử lý dịch bệnh khẩn cấp. Các khoản đóng góp vào quỹ sẽ trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, Ấn Độ cam kết dành 10 triệu USD cho sáng kiến này. Ấn Độ cũng mong muốn lập ra các đội ứng phó khẩn cấp, gồm các y bác sĩ, chuyên gia và thiết bị xét nghiệm để có thể triển khai ngay tại các nước SAARC trong trường hợp dịch bùng phát nhanh. Nước này cũng sẵn sàng tổ chức các lớp đào tạo trực tuyến để phổ biến kỹ thuật thực hành đối phó với Covid-19 cho các nước láng giềng. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đề xuất phát triển Bộ quy tắc đối phó với đại dịch cho cả SAARC để có thể sử dụng chung tại 8 nước thành viên.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các nước thành viên của SAARC đánh giá cao các đề xuất của phía Ấn Độ, và cho rằng các quốc gia trong khu vực không thể đối phó với dịch Covid-19 một cách đơn lẻ, mà cần phải hỗ trợ, tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm của nhau để ngăn chặn dịch bệnh chưa từng có này. Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa nhấn mạnh, các nước trong SAARC cần xây dựng cơ chế vận hành nền kinh tế thích ứng với những vấn đề do dịch bệnh này tạo ra để có thể sớm khắc phục những tác động về dài hạn. Dự kiến, các quan chức y tế của 8 thành viên Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á sẽ nhóm họp trực tuyến trong những ngày tới nhằm thảo luận chi tiết hơn về các đề xuất hợp tác. Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á gồm 8 thành viên là: Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Pakistan, Nepal, Maldives, và Sri Lanka./.