Cách đây một thời gian không xa, dịch bệnh Covid-19 (do virus SARS-CoV-2) hoành hành dữ dội ở Trung Quốc đại lục và chỉ chớm xuất hiện ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ. Khi ấy truyền thông phương Tây có ý chê Trung Quốc là kém, thậm chí phê phán họ giấu thông tin khiến hiệu quả chống dịch thấp. Bên cạnh đó là tâm lý kỳ thị người từ Trung Quốc sang.

covid_19_rome_italy_tan_hoa_xa_pnhu.jpg
Đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở bên khu di tích đấu trường La Mã vắng vẻ tại thủ đô Rome, Italy. Ảnh: Tân Hoa xã.

Nhưng giờ đây (giữa tháng 3/2020), SARS-CoV-2 đã lan ra nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ, có những nơi dịch bùng phát mạnh, cho thấy virus này chẳng chừa dân tộc nào, chủng người nào cả. Riêng ở Italy còn có khả năng virus này biến chủng thêm.

Và virus gây Covid-19 đang lan mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ trong khi ở Trung Quốc nó đã thuyên giảm và có dấu hiệu quốc gia này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19. 

Vì sao có tình trạng này?

Trước tiên, virus SARS-CoV-2 tuy khác với virus SARS (2002-2003) nhưng vẫn có nhiều điểm chung và thực tế có xu hướng phát triển mạnh ở những khu vực khí hậu lạnh. Mà châu Âu và Bắc Mỹ có đặc điểm khí hậu này. Vũ Hán và Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, về mùa đông tuy không lạnh như miền bắc nước này nhưng vẫn lạnh hơn so với vùng miền nam. Hàn Quốc – tâm dịch lớn thứ 2 ở Đông Á cũng là một nước ôn đới (tên đầy đủ của họ là Đại Hàn Dân quốc). Nhật Bản, một nước nữa bị ảnh hưởng nặng bởi dịch này, là một nước nằm ngang vĩ độ với Hàn Quốc, thậm chí còn có vùng nằm dịch về phía bắc nhiều hơn cả Triều Tiên.

Một số người ngạc nhiên là Trung Đông (đặc biệt Iran) có tình trạng lây nhiễm SARS-Cov-2 khá nghiêm trọng. Nhưng xét ở khía cạnh khí hậu, khu vực Tây Á có nhiều nước rất lạnh vào mùa đông, thậm chí có cả tuyết rơi (dù về mùa hè các nước này rất nóng).

Tất nhiên các nước ấm hơn vẫn không chủ quan được vì SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều điều bí ẩn khó lường.

Thứ hai, Trung Quốc có dấu hiệu đã qua đỉnh dịch. Theo quy luật, khi đạt đỉnh rồi thì xu hướng sẽ là đi xuống. Tất nhiên nếu chủ quan khinh suất, đồ thị bệnh có thể lại tiếp tục đi ngang và đi lên tiếp. Còn châu Âu đang ở ngưỡng số ca nhiễm tăng mạnh, đang ở pha đi lên.

Thứ ba, dân số già hóa. So với châu Á, các nước phương Tây nhìn chung tỷ lệ dân số cao tuổi là lớn hơn. Mà qua thống kê số người tử vong vì bệnh Covid-19, những người già thường khó qua khỏi hơn so với người trẻ.

Thứ tư, dường như hệ thống y tế công cộng ở một số nước châu Âu lại yếu kém một cách kỳ lạ. Như ở Italy và Pháp, hệ thống bệnh viện công vấp phải sự quá tải, thiếu thốn nhân lực, tài lực và thiết bị. Ở Italy xảy ra tình trạng thiếu giường bệnh để điều trị Covid-19, bên Pháp gần đây giới y bác sĩ đã đình công và biểu tình để phản đối tình trạng thiếu đầu tư...

Trong khi đó tại Mỹ, hệ thống y tế được tư nhân hóa cao độ và người dân nói chung phải chi rất nhiều tiền cho việc chữa bệnh. Trong đợt Covid-19 này, nhiều người dân Mỹ phải chi tiền để được khám SARS-CoV-2 và điều trị Covid-19.

Thứ năm, tâm lý chủ quan, khinh suất. Một bộ phận dân chúng và lãnh đạo các nước châu Âu và Bắc Mỹ có dấu hiệu chưa cảnh giác với bệnh dịch này, cho rằng nó khó xảy đến với nước mình, đánh giá Covid-19 chỉ như cúm mùa thể nặng. Tổng thống Mỹ Trump từng so sánh Covid-19 với cúm mùa và cho rằng cúm mùa làm nhiều người Mỹ chết hơn mà tình hình có sao đâu.

Tâm lý này dẫn tới chỗ không có biện pháp phòng ngừa quyết liệt nào được đưa ra và dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Người dân không đeo khẩu trang (họ cho rằng khi bản thân họ có bệnh thì mới đeo, chứ không đeo để hạn chế nguy cơ lây từ người khác sang), thậm chí rất đề phòng người đeo khẩu trang.

Thời gian qua xuất hiện thông tin cho rằng châu Âu chủ động để cho dịch Covid-19 lây lan nhanh như vậy để tạo ra sức miễn dịch cộng đồng theo kiểu tự nhiên (khác với trường hợp tạo miễn dịch cộng đồng kiểu chủ động qua tiêm chủng – điều chưa áp dụng được với Covid-19 do hiện chưa có vaccine cho loại bệnh này). Thông tin này nói chung là không thuyết phục vì cách tiếp cận này quá rủi ro, dễ gây chết người và tàn phá kinh tế kinh khủng.

Thực tế giới chức châu Âu đúng là có phần thụ động trước dịch bệnh Covid-19, ít thể hiện quyết tâm chặn đứng dịch, mà chỉ chủ trương “từ từ làm chậm đà phát triển của dịch”. Chính Thủ tướng Đức Merkel mới đây cũng nói rất nhẹ nhàng rằng có thể có tới 70% dân số nước Đức sẽ nhiễm virus này.

Thứ sáu, vấn đề Schengen. Ở châu Âu người dân có thể đi lại khá thoải mái giữa các nước trong khối Schengen như là di chuyển giữa các tỉnh trong một nước. Mà Covid-19 là loại bệnh truyền nhiễm dễ lây cao qua tiếp xúc thông thường (khác với HIV/AIDS khó lây qua tiếp xúc thông thường).

Thứ bảy, văn hóa vùng miền. Châu Âu và Bắc Mỹ đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân trong khi châu Á (nhất là Đông Á, Đông Nam Á) đề cao yếu tố tập thể hơn. Nền văn hóa này khiến châu Âu khó hành động quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch  – các biện pháp này nếu được thực thi sẽ hạn chế sự thoải mái và sự tự do đi lại của người dân.

Thứ tám, có nguyên nhân nằm ở thể chế chính trị (đây có lẽ là một trong các yếu tố quan trọng nhất). Các nước châu Âu và Bắc Mỹ dường như chú trọng vào yếu tố kinh tế và chính trị nhiều hơn, lo ngại nếu mạnh tay chống dịch có thể sẽ làm tổn thương kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm. Về vấn đề chính trị, ở Iran dịp Covid-19 bùng phát cũng trùng với bầu cử tại nước này, còn tại Pháp sắp có bầu cử địa phương.

Nhưng cách nhìn này nếu đúng là dòng chủ lưu ở châu Âu và Bắc Mỹ thì sẽ là điều đáng tiếc vì đây chỉ là cách nhìn ngắn hạn mà thôi, bởi lẽ một khi dịch bệnh không kiểm soát được, nó sẽ gây ra các hệ lụy phức tạp cực khó lường về cả kinh tế và chính trị.

Liên minh châu Âu (EU) không thể sánh được với Trung Quốc về mặt này.

Ở Trung Quốc, giới lãnh đạo xác định việc phòng chống dịch Covid-19 là một trận đánh lớn mà họ quyết giành chiến thắng, tương tự chủ trương “chống dịch như chống giặc” ở Việt Nam.

Tất nhiên ở châu Á thì mỗi nước có các cách tiếp cận khác nhau. Singapore rất chủ động, còn Iran đã bị bất ngờ. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có phần thụ động ở giai đoạn đầu. Và tới nay Hàn Quốc chưa áp dụng cách phong tỏa quy mô lớn và hạn chế đi lại như ở Trung Quốc. Nhưng dẫu sao, các nước châu Á này vẫn tỏ ra chủ động hơn châu Âu nhiều. Nếu như Italy học tập kinh nghiệm phong tỏa diện rộng của Trung Quốc thì một số nước châu Á đang xem xét học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong chống dịch Covid-19./.