Đây là tiến bộ đáng kể đầu tiên kể từ khi các cuộc thương lượng bắt đầu cách đây một tuần tại Kuwait, mở đường cho các cuộc đàm phán tăng cường trong thời gian tới nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia này.

yemen_houthi_vezl.jpg
Lực lượng Houthi. Ảnh: legalinsurrection.

Trả lời báo giới về các cuộc đàm phán diễn ra ở Kuwait, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Yemen cho biết, cuộc hòa đàm trực tiếp giữa các phe phái của Yemen đã diễn ra "tích cực và hữu ích" trong "các vấn đề then chốt" nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Arab này.  

Theo đó, các bên tại Yemen tập trung đàm phán vào một lộ trình hòa bình gồm “đảm bảo các biện pháp an ninh tạm thời, đặc biệt là ở cấp địa phương, rút các nhóm vũ trang, chuyển giao vũ khí hạng nặng, nối lại các cuộc đối thoại chính trị theo như quyết định của Hội đồng bảo an và sáng kiến của  Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”.

Tuy nhiên, Đặc phái viên Ahmed nhấn mạnh vẫn còn nhiều chướng ngại ở phía trước và nhiều ý tưởng vẫn còn xa vời. Ông cũng nêu rõ không có hạn chót nào được đặt ra, các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn cho tới khi đạt một "giải pháp hòa bình toàn diện."

Vòng đàm phán trực tiếp trên diễn ra sau khi phái đoàn chính phủ Yemen và các nhóm phiến quân nhất trí khuôn khổ chung để thảo luận một giải pháp chính trị và an ninh nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 13 tháng qua.

Ngoài ra, phe phiến quân đề nghị thành lập một cơ quan đồng thuận để giám sát quá trình chuyển tiếp và dỡ bỏ tình trạng phong tỏa mà liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu áp đặt tại Yemen.

Trong đề xuất của phiến quân còn có điểm đáng chú ý là cả Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi và cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh sẽ không tham gia cuộc bầu cử sắp tới.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ tháng 9/2014, khi lực lượng phiến quân chiếm giữ thủ đô Sanaa, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi và chính phủ của ông phải lưu vong sang Saudi Arabia.

Tháng 3/2015, chính phủ của ông Hadi chấp thuận việc liên quân Arab - do Saudi Arabia dẫn đầu thực thi Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành chiến dịch chống phiến quân.

Đến tháng 7/2015, liên quân và các lực lượng chính phủ đã giành lại được 4 tỉnh miền Nam Yemen.

Trong hai tháng gần đây, các lực lượng chính phủ được liên quân hỗ trợ đã tiến về các vùng ngoại ô ở Đông Bắc thủ đô Sanaa, sẵn sàng tấn công vào thủ đô nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ.

Theo các thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, cuộc nội chiến ở Yemen đã làm hơn 6.800 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường, và khoảng 35.000 người bị thương, đồng thời buộc hơn hai triệu người phải sơ tán./.