Theo thỏa thuận đạt được tại Vienna, Áo, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, sẽ cắt giảm khoảng 558.000 thùng dầu mỗi ngày. Riêng Nga sẽ cắt giảm khoảng 300.000 thùng mỗi ngày.

nga_cagm.jpg
Nga- một trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới không thuộc OPEC- sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 300.000 thùng mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Theo đánh giá của giới phân tích, số lượng trên được đánh giá là ít hơn mục tiêu ban đầu mà các nước này đề ra giảm khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một dấu hiệu tích cực trong nỗ lực nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới. Các bên liên quan đã ngay lập tức đánh giá cao thỏa thuận này.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã gọi đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử. Trong khi đó, Chủ tịch OPEC, đồng thời là Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Bin Saleh Al Sada gọi đây là một hành động có trách nhiệm.

“Thỏa thuận mà các nước ngoài OPEC đạt được là một hành vi có trách nhiệm hướng tới việc bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới, qua đó sẽ mang lại những kết quả tích cực không chỉ đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu và cả người tiêu dùng. Vì một nền kinh tế vững mạnh của thế giới, tất cả chúng ta đều cần có trách nhiệm”, ông Al Sada nói.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thì cho rằng, thỏa thuận sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình bình ổn giá dầu mỏ, thu hút đầu tư trên thế giới: “Chúng tôi tin rằng, thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới, giảm biến động, giảm đầu cơ và nâng cao tính hấp dẫn của hoạt động đầu tư từ ngành công nghiệp dầu mỏ trên khắp thế giới”.

Trước đó, tại cuộc họp chính thức hôm 30/11 vừa qua cũng tại Vienna, Áo, các nước thành viên OPEC đã đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Kết quả trên đã đạt được sau khi Saudi Arabia đồng ý thực hiện mức cắt giảm lớn nhất.

Trong hai năm qua, giá dầu mỏ thế giới liên tục sụt giảm mạnh do tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong đó, năm 2015 được xem là một năm “đen tối” nhất đối với dầu mỏ thế giới./.