Các nước đã lên tiếng hoan nghênh Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu thực hiện cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia và dừng tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay rơi để phục vụ công tác điều tra.

xac_mh17_chay_den_pxhv.jpgXác máy bay MH17 cháy đen (ảnh: Getty)

Với số phiếu thuận tuyệt đối 15/15, sáng 22/7 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết do Australia soạn thảo và được Việt Nam cùng các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 tại Ukraine hôm 17/7, đồng bảo trợ, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay rơi để phục vụ điều tra.

Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, nghị quyết lên án vụ tai nạn máy bay Malaysia rơi tại Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập, toàn diện về vụ việc này, trong đó Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ đóng vai trò chủ chốt.

Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực máy bay rơi và khu vực xung quanh ngừng ngay lập tức các hoạt động làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra.

So với bản dự thảo trước đó, nghị quyết cuối cùng vừa được thông qua đã có một số điều chỉnh về ngôn từ, theo đó không khẳng định máy bay bị "bắn rơi". Tại Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh sự quan trọng của việc không "tiên đoán" trước về kết quả điều tra. Một số quốc gia thành viên khác cũng cho rằng không nên đưa ra một kết luận nào cho tới khi cuộc điều tra toàn diện kết thúc.

Tuy nhiên, ngay sau khi biểu quyết nhất trí với nghị quyết này, các nước đã ngay lập tức tiếp tục chỉ trích và cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau cho thảm kịch MH17. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power tiếp tục lên án mạnh mẽ các hành động của các tay súng tại khu vực miền Đông Ukraine làm xáo trộn hiện trường và đánh cắp đồ đạc của hành khách. Bà Power cũng chỉ trích Nga, cho rằng Nga đã cung cấp vũ khí cho các tay súng tại miền Đông Ukraine.

Về phần mình, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng, Mỹ đã không đánh giá tới những nỗ lực của Nga trong những ngày qua. Ông cũng khẳng định quan điểm của Nga là Ukraine không nên dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế về vụ việc máy bay mang số hiệu MH17.

“Những gì đang diễn ra là không thể chấp nhận đươc. Dường như Kiev đang muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về việc chuyến bay mang số hiệu MH17 bị bắn rơi, từ đó tăng cường chiến dịch trừng phạt tại khu vực miền Đông”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julia Bishop hoan nghênh bước đi mang tính quyết định này của Hội đồng Bảo an. Đại sứ Ukraine Yuriy Sergeye có quan điểm tương tự, đồng thời cho biết Ukraine thậm chí sẽ chuyển giao vai trò dẫn đầu cuộc điều tra cho Hà Lan theo yêu cầu của nước này.

“Thủ tướng Ukraine đã tuyên bố việc Ukraine sẵn sàng chuyển giao vai trò điều phối cuộc điều tra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 cho Hà Lan. Các cơ quan chức năng có liên quan của Ukraine và các đối tác quốc tế đã sẵn sàng thực hiện một cuộc điều tra điều tra quốc tế toàn diện”.

Số liệu mới nhất của nhà chức trách Ukraine cho biết, 282 thi thể trong vụ tai nạn máy bay được tìm thấy.

Các hãng tin BBC, AP cũng đưa tin, lực lượng ly khai đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine đã bàn giao hộp đen của máy bay cho Malaysia.

Cuộc bàn giao diễn ra hôm qua dưới sự chứng kiến của đông đảo phóng viên quốc tế tại trụ sở của nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk. Cũng theo các nguồn tin này, lực lượng ly khai đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn trong vòng bán kính 40km xung quanh hiện trường vụ rơi máy bay, cho phép các điều tra viên quốc tế tiếp cận khu vực một cách an toàn. Trong khi đó, quân đội Ukraine hôm qua tấn công căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Donetsk, mở đợt chiến sự lớn đầu tiên ở khu vực máy bay Malaysia gặp nạn. Thủ lĩnh lực lượng nổi dậy nói rằng, ít nhất 4 xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ Ukraine cố gắng tìm cách tiến vào Donetsk.

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày hôm qua có tuyên bố chính thức đầu tiên về thảm họa rơi máy bay MH17, theo đó công bố những thông tin mà nước này có được. Quân đội Nga cho biết, đã phát hiện một chiến đấu cơ SU-25 của Ukraine bay sát chiếc máy bay MH17 của Malaysia trong ngày diễn ra thảm họa. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Kiev phải giải thích rõ vấn đề này. Theo Nga, Ukraine đã có tới 4 hệ thống tên lửa Buk SA-11 trên vùng lãnh thổ miền Đông. Còn Nga không cung cấp bất kỳ một vũ khí nào cho những lực lượng vũ trang tại đây.

Chứng kiến các bên vẫn không ngừng tranh cãi và đổ trách nhiệm cho nhau, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans, nước có gần 200 công dân đi trên chuyến bay xấu số, khẳng định rằng "trò chơi chính trị" của các bên, đã và đang làm trì hoãn việc tiếp cận hiện trường, là không thể chấp nhận được./.