Thi thể của khoảng gần 300 nạn nhân trong vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine đang trên đường chuyển tới Hà Lan vào ngày 22/7. Cùng thời gian này, một lãnh đạo cao cấp của phe ly khai Ukraine đã trao các hộp đen của chiếc máy bay cho các chuyên gia Malaysia.

phien_quan_mang_hop_den_mh17_urht.jpgPhiến quân mang hộp đen ra trao trả (ảnh: Reuters)

Hôm 21/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khi phát biểu tại một cuộc họp báo đã cho biết một tàu hỏa chở khoảng 200 túi đựng xác đã lên đường tới khu vực Donetsk do phiến quân kiểm soát và sau đó đi Kharkov, hiện thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine. Từ Kharkov, các thi thể sẽ được đưa ngược trở lại Hà Lan để nhận diện.

Tàu đã rời khỏi hiện trường vụ rơi máy bay sau khi Thủ tướng Malaysia đạt được thỏa thuận với các phần tử ly khai về việc trao lại các thi thể được tìm thấy cho giới chức Hà Lan – đất nước có số lượng nạn nhân lớn nhất trong vụ này.

Đầu ngày 21/7, lãnh đạo ly khai Aleksander Borodai đã trao các hộp đen tại thành phố Donetsk.

(ảnh: Reuters)

“Các hộp đen đây”, ông Borodai phát biểu trong căn phòng đầy các phóng viên tại trụ sở của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong. Một chiến binh trang bị vũ khí đặt những hộp đen này lên bàn.

Cũng tại buổi gặp gỡ này, Đại tá Mohamed Sakri của Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia cho hay hai chiếc hộp đen vẫn “trong tình trạng tốt”.

Việc trao trả hộp đen và các thi thể cũng như việc các nhà điều tra quốc tế được tiếp cận hiện trường dễ dàng hơn vào thời điểm 4 ngày sau khi máy bay bị bắn rơi diễn ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi trừng phạt nước Nga nặng nề hơn nữa do “sự ủng hộ của họ dành cho phiến quân”. Tuy nhiên các lãnh đạo phương Tây vẫn chưa nhất trí với cách phản ứng thống nhất đối với nước Nga.

Bị chấn động mạnh trước cái chết của 298 người vô tội thuộc nhiều quốc gia, các chính phủ phương Tây đe dọa sẽ trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn nữa vì cái “tội” mà họ nói là hậu thuẫn các dân quân thân Nga. Theo các bằng chứng mà phương Tây có được thì chính các phiến quân đã bắn rơi máy bay.

Ký văn bản bàn giao hộp đen (ảnh: Reuters)

Tại Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua một nghị quyết yêu cầu các quốc gia nỗ lực buộc những ai dính líu vào vụ việc này phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nghị quyết cũng yêu cầu các nhóm vũ trang cho phép quốc tế được tiếp cận một cách an toàn, đầy đủ và không giới hạn khu vực máy bay rơi.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu theo kế hoạch vào ngày 22/7 sẽ thảo luận về các hình phạt bổ sung chống lại nước Nga. Tuy nhiên nhiều khả năng những gì họ làm được sẽ là đẩy mạnh việc thực thi các chế tài đối với các cá nhân và có thể là cả các công ty như đã nhất trí về nguyên tắc vào tuần trước, trước khi máy bay MH17 bị bắn hạ.

Đoàn tàu chở thi thể các nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 (Ảnh: AP)
Nước Pháp đang chịu áp lực từ Washington và London về các kế hoạch của Pháp cung cấp một tàu sân bay thứ 2 dành cho trực thăng.

Giới ngoại giao cho rằng các lệnh trừng phạt nặng hơn đối với toàn bộ nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc phần lớn vào chủ trương của Hà Lan, do có số lượng lớn nạn nhân người Hà Lan.

Chính Thủ tướng Hà Lan có nói: “Rõ ràng Nga phải sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các phiến quân để cải thiện tình hình trên thực địa”.

Ông Rutte khẳng định: “Nếu trong những ngày tới việc tiếp cận khu vực thảm họa vẫn không tương xứng thì sẽ không loại trừ tất cả các giải pháp chính trị, kinh tế và tài chính nhằm vào những người chịu trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp trong vụ này”./.