4 nước đang phát triển gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc hôm 21/9 đã kêu gọi các nước công nghiệp phát triển cần đẩy mạnh các mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu sau 2 ngày họp ở Brazil, đại diện của 4 nước đều khẳng định rằng, các quốc gia phát triển cần thực hiện triệt để các cam kết giảm lượng khí thải. Theo ông Tạ Chấn Hoa, nhà đàm phán khí hậu Trung Quốc, mục tiêu giảm lượng phát thải của các quốc gia giàu không bao giờ là đủ, mà trái lại càng cần phải được tăng dần theo thời gian. 

khi%20thai%20cong%20nghiep.jpg
Các nước đang phát triển yêu cầu các nước công nghiệp phải đi đầu trong cắt giảm khí thải (ảnh: Topnews)

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Chấn Hoa nói: “Chúng tôi cho rằng cam kết giảm lượng phát thải carbon của các nước phát triển nên tăng thêm 30%. Mục tiêu giảm lượng phát thải đối với các quốc gia phát triển luôn không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Trong năm nay, chúng ta nên thảo luận thêm về những mục tiêu mới trong việc cắt giảm lượng phát thải được áp dụng đối với các quốc gia này.”

Cuộc họp của 4 nước đang phát triển diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Doha, Qatar.

Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra ở Brazil vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các nước đang phát triển và phát triển cũng đã bất đồng sâu sắc về mục tiêu bảo vệ trái đất.

Các nước đang phát triển đã chỉ trích mạnh mẽ các nước giàu, cho rằng “trách nhiệm lịch sử” của các nước công nghiệp phát triển là làm sạch hóa hành tinh. Tuy nhiên, các đại diện đến từ các nước phát triển cho rằng trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng và sự trỗi dậy của các cường quốc kinh tế mới như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ cũng có nghĩa là tất cả các quốc gia phải cùng nhau gánh vác trách nhiệm bảo vệ môi trường toàn cầu./.