Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/11 cho biết các bên liên quan vẫn chưa thể đi đến thống nhất về hạn ngạch chia sẻ "gánh nặng" dòng người di cư ồ ạt tìm đến các nước châu Âu trong thời gian qua. Trong khi đó, Tổ chức Di trú Quốc tế cùng ngày cũng cho biết, tháng 11 này là tháng “chết chóc” nhất đối với những người di cư qua Địa Trung Hải.
Tổ chức Di trú Quốc tế cho biết, tháng 11 này là tháng chết chóc nhất đối với những người di cư qua biển Địa Trung Hải. Theo đó, từ ngày 1-17/11, có 561 người chủ yếu từ Tây Phi, đã thiệt mạng trên Địa Trung Hải, trong khi cùng khoảng thời gian này năm ngoái chỉ có 81 người thiệt mạng.
Chỉ riêng trong 3 ngày từ 15-17/11 vừa qua, có ít nhất 365 người thiệt mạng trong 6 vụ tai nạn trên Địa Trung Hải. Từ tháng 1 đến tháng 11/2016, có khoảng 4.636 đã thiệt mạng khi di cư tới châu Âu theo tuyến đường này, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 người.
Nói về nguyên nhân khiến số người chết trong hành trình di cư đến châu Âu qua Địa Trung Hải, người phát ngôn Tổ chức Di trú Quốc tế Leonard Doyle cho biết: “Rõ ràng là có rất nhiều chiến dịch giải cứu lớn, với nhiều đội cứu hộ của các nước khác nhau ở địa Trung Hải, nhưng nó cũng đồng nghĩa rất tàu của những kẻ buôn lậu, những kẻ đưa người trái phép đã bị phá hủy. Vì thế một trong những hậu quả nằm ngoài dự đoán là những người di cư đã sử dụng những chiếc thuyền nhỏ bằng cao su. Những chiếc thuyền này vốn dĩ đã không an toàn, và nó càng nguy hiểm, nhất là ở thời điểm giữa mùa đông”.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế, việc số người thiệt mạng khi đang trên đường di cư qua Địa Trung Hải tới châu Âu rất đáng báo động và đáng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện các nước Liên minh châu Âu vẫn chưa thống nhất được hạn ngạch phân bổ người di cư và tị nạn.
Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm tại Brussels, Bỉ, ngày 18/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nhấn mạnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng về vấn đề phân bổ hạn ngạch người di cư. Mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu phải tiếp nhận một số lượng nhất định người xin tị nạn, tuy nhiên con số này cụ thể là bao nhiêu thì cần có nhiều nỗ lực để tìm được sự thống nhất chung cho những quan điểm khác biệt và cần tiến hành thêm nhiều cuộc đàm phán mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano lại không đồng tình với quan điểm về “sự thống nhất linh hoạt” khi mà các nước thành viên Đông Âu luôn một mực phản đối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Thay vào đó, họ chỉ chấp thuận đóng góp về mặt tài chính hoặc các hình thức hỗ trợ khác.
Hai quốc gia Trung Âu là Hungary và Slovakia còn khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối kế hoạch chia sẻ tiếp nhận người tị nạn của Liên minh châu Âu.
Cho đến nay, Liên minh châu Âu vẫn đang nỗ lực để thực thi thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 vừa qua trong việc phân bổ tới các nước thành viên 160.000 người xin tị nạn, chủ yếu là người Syria, Iraq và Eritrea, tạm trú ở Italy và Hy Lạp. Cho đến nay, khoảng 7.500 người tị nạn trong số này đã được tái phân bổ tới nơi ở mới.
Tuy nhiên, các nước Đông Âu vẫn không ngừng phản đối hạn ngạch phân bổ cho từng nước trong khi nhiều quốc gia EU khác vẫn tỏ ý chần chừ đối với việc này. Theo đúng thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 này, kế hoạch phân bổ và bố trí nơi ăn ở cho người tị nạn sẽ được hoàn tất vào tháng 9/2017./.