Hôm (1/3), các Đảng xã hội châu Âu nhóm họp tại Rome, Italy. Tới dự có Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, Thủ tướng Pháp Marc Ayrault, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Sigmar Gabriel và nhiều nhà lãnh đạo các đảng xã hội ở các nước trong khối.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức to lớn như tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là ở thanh niên, tăng trưởng thấp và sự trỗi dậy của những đảng cực hữu hoặc phản đối tăng cường hội nhập nội khối.
Phát biểu tại đại hội, Ngoại trưởng nước chủ nhà Italy Federica Mogherini nhấn mạnh: “Chúng ta có những điểm chung trong chương trình nghị sự nhằm thay đổi chính sách của châu Âu. Chính phủ Italy và đảng Dân chủ Italy sẽ ủng hộ tiến trình này với tất cả những nỗ lực của chúng tôi nhằm đem đến sự thay đổi không chỉ cho Italy mà cho cả châu Âu”.
Đại hội các đảng xã hội châu Âu lần này cũng là 1 phần trong những nỗ lực vận động của cánh tả nhằm khuyến khích người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện từ ngày 22 đến ngày 25/5 tới. Hai ngày sau, tức ngày 27/5, các nhà lãnh đạo của liên minh này sẽ gặp mặt tại Brussels, Bỉ để thảo luận về kết quả bỏ phiếu và bầu các vị trí quan trọng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, các Cao ủy phụ trách những lĩnh vực khác nhau và có thể cả vị trí Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu.
Về mặt lý thuyết, cánh nào giành đa số tại cuộc bầu cử nghị viện sắp tới sẽ có ưu thế chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu song thông thường các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu phải có sự nhất trí trước khi bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu. Tại Đại hội lần này, các đảng Dân chủ xã hội trung tả, cánh lớn thứ 2 ở Nghị viện châu Âu, đã chọn ông Martin Schulz là ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Chính vì thế, tại đại hội lần này, ông Martin Schulz cũng sẽ đưa ra những trọng tâm tranh cử như vấn đề thanh niên thất nghiệp ở nhiều nước châu Âu, giáo dục và đầu tư cho công nghệ cũng như năng lượng tái tạo.
Ủy ban châu Âu là 1 trong những cơ quan quyền lực nhất của thể chế Liên minh châu Âu với đặc quyền đề xuất các dự luật cho khối này. Tuy nhiên, kể từ khi có Hiệp ước Liên minh châu Âu mới năm 2009, Nghị viện châu Âu được trao quyền nhiều hơn để định hình các chính sách của khối. Nghị viện châu Âu cũng là cơ quan duy nhất được bầu dân chủ trực tiếp trong liên minh gồm 500 triệu công dân này./.