Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đang đến gần và cương lĩnh tranh cử của các đảng phái chính trị tại Nhật vừa công bố đang được dư luận các giới tại Nhật Bản quan tâm theo dõi chặt chẽ và phân tích tỉ mỉ. Một trong những chính sách có ảnh hưởng quan trọng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản, đó là chính sách an ninh đối ngoại mà các đảng đưa ra trong cương lĩnh tranh cử của mình, cho thấy những khác biệt đáng kể.

Đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) tiếp tục coi liên minh Nhật – Mỹ là nền tảng cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản với mục tiêu duy trì quan điểm ngoại giao hậu chiến tranh. Quan điểm của LDP là tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ đạt được hòa bình và ổn định hơn tại Nhật Bản, khu vực Đông Bắc Á và thế giới. Thậm chí LDP còn đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm đánh trả tên lửa nhằm vào nước Mỹ và bảo vệ các tàu của Mỹ tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo đảm an ninh quốc gia của mình.

AsoObama.jpg
(DPJ) cho rằng nên xem xét lại chính sách ngoại giao của Nhật Bản từ trước tới nay vẫn đặt trọng điểm vào liên minh Nhật – Mỹ

Về kế hoạch tái bố trí quân đội Mỹ tại Nhật Bản, LDP tiếp tục thực hiện đóng góp khoản chi phí 1.000 tỷ yên, cam kết cắt giảm gánh nặng đối với các chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Okinawa, nơi có các căn cứ quân đội Mỹ. 

Trong khi đó Đảng Dân chủ đối lập lớn nhất (DPJ) chủ trương tăng cường quan hệ với các nước láng giềng châu Á với kế hoạch xây dựng một Cộng đồng Đông Á hòa bình và ổn định, đồng thời xem xét lại chính sách ngoại giao của Nhật Bản từ trước tới nay vẫn đặt trọng điểm vào liên minh Nhật – Mỹ. DPJ dự định thành lập liên minh Nhật – Mỹ theo cơ chế bình đẳng hơn. Theo đó, DPJ sẽ thay đổi Hiệp định an ninh Nhật – Mỹ hiện nay được nhiều người cho rằng bất lợi cho Nhật Bản.

Ngoài ra, cương lĩnh tranh cử của DPJ không đề cập đến kế hoạch tái bố trí quân đội Mỹ tại Nhật Bản và viện trợ tái thiết Afganistan – những vấn đề Mỹ đang rất lo ngại và mong muốn sự hợp tác hỗ trợ của Nhật.

Các đảng phái nhỏ khác tại Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều quan điểm trái ngược trong chính sách an ninh đối ngoại của mình. Đảng Công Minh đưa ra đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách liên quan đến bảo vệ quốc gia trị giá 500 tỷ yên trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ cắt giảm chi phí cho trang thiết bị quân sự. Về hợp tác quốc tế, Công Minh dự định tiếp tục các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của Lực lượng phòng vệ (SDF), trong đó có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu và tăng cường đóng góp cho lĩnh vực này về nhân sự và cũng như hoạt động của các tổ chức khác ngoài SDF.

Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) đưa ra kế hoạch cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng, lên án hoạt động triển khai quân đội ra nước ngoài tại Ấn Độ Dương và ngoài khơi Somalia, đồng thời yêu cầu rút hết số binh lính đã triển khai về nước, xóa bỏ Hiệp ước anh ninh Nhật – Mỹ và chấm dứt hành động nhằm thông qua dự luật cử quân đội ra nước ngoài vì nó vi phạm hiến pháp của Nhật Bản.

Đảng Xã hội (SDP) khuyến cáo rút ngay Lực lượng phòng vệ biển ra khỏi Ấn Độ Dương và đề nghị lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong các biện pháp chống cướp biển và ủng hộ duy trì 3 nguyên tắc phi hạt nhân. Chính sách này của SDP có tác động đến sự điều hành của chính phủ nếu liên minh với DPJ trở thành hiện thực. SDP cho rằng Lực lượng phòng vệ cần tinh giản thành một tổ chức nhỏ hơn phụ trách vấn đề bảo vệ quốc gia.

Đảng Nhân dân mới (PNP) mong muốn thấy được hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á và từ bỏ vũ khí hạt nhân, đề nghị hợp tác quốc tế với các nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Về vấn đề CHDCND Triều Tiên, PNP mong muốn các nhà lãnh đạo Nhật Bản đi thăm nước này để tìm kiếm giải pháp toàn diện.

Đảng vì nhân dân Nhật Bản (JRP) đề xuất thành lập hệ thống bảo vệ quốc gia nhằm bảo vệ đất nước và người dân, đặc biệt là xem xét lại điều 9 Hiến pháp và đảm bảo an toàn lãnh thổ trong nhiều vấn đề khác.

Đảng Nhật Bản mới (NPN) dự định tái cơ cấu SDF và tiến hành nghiên cứu thành lập một tổ chức nhằm hỗ trợ các hoạt động quốc tế.

Với những khác biệt lớn trong chính sách an ninh đối ngoại của các đảng phái Nhật Bản đưa ra chắc chắn sẽ có tác động đối với tình hình an ninh khu vực và thế giới. Trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế đang thay đổi như hiện nay với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và được Mỹ cùng các nước khác coi trọng hơn thì Nhật Bản cũng cần phải thay đổi chính sách an ninh đối ngoại cho phù hợp. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng dù bất kỳ đảng phái nào lên nắm quyền tại Nhật Bản cũng nên xây dựng một quan hệ song phương hoàn toàn mới với Mỹ và các nước láng giềng châu Á khác để đáp ứng sự thay đổi của tình hình quốc tế hiện nay./.