Đức, Anh và Mỹ ngày 25/11 cam kết sẽ luôn sát cánh cùng Pháp trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Những cam kết này được đưa ra khi Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 26/11 bắt đầu chuyến thăm Nga trong một nỗ lực ngoại giao, nhằm kêu gọi thế giới đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống khủng bố sau các vụ tấn công tại Paris.
Tổng thống Hollande có cuộc gặp với các đối tác Liên minh châu Âu trong tuần qua nhằm xây dựng một liên minh quốc tế chống IS tại Iraq và Syria. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi Đức hỗ trợ nhiều hơn cho cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Pháp Hollande (trái) và Tổng thống Mỹ Obama trao đổi về nỗ lực chống IS ở Iraq và Syria. (Ảnh AFP). |
Phản ứng lại lời kêu gọi của Pháp, thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết đưa ra các hành động nhanh chóng nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố và khẳng định, Đức sẽ luôn sát cánh cùng Pháp trong cuộc chiến này.
Đức ngày 25/11 cho biết sẽ cử 650 binh lính tới Mali để hỗ trợ cho lực lượng an ninh Pháp đối phó với các nhóm cực đoan tại quốc gia Tây Phi này.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 25/11 khẳng định, IS là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia cũng như trên thế giới, Anh sẽ sớm đưa ra kế hoạch chi tiết nhằm mở rộng các cuộc không kích chống IS từ Iraq sang Syria.
Ông Cameron cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một hành động quân sự để đánh bại IS mà không cần một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria: “Chỉ các hoạt động không kích khó có thể giải quyết được vấn đề với IS. Rõ ràng chúng ta cần một giải pháp chính trị tại Syria và một chính phủ Syria hoạt động hợp tác với chúng ta chống IS. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta sẽ đợi bao lâu để có giải pháp này trước khi hành động?”.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể chờ đợi một giải pháp chính trị. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mức có thể, nhưng chúng ta cũng nên hành động với các đồng minh vì điều này giúp đảm bảo an toàn cho chính chúng ta”, ông Cameron cho biết.
Tổng thống Pháp Hollande ngày 26/11 bắt đầu chuyển thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, nhằm kêu gọi sự hợp tác từ phía Nga sau khi đã nhận được các cam kết ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Điện Kremlin thông báo, nội dung thảo luận giữa hai nguyên thủ sẽ là vấn đề phối hợp hành động trong cuộc chiến chống IS. Trước đó, ông Hollande tuyên bố Pháp sẽ hợp tác với Nga tiêu diệt IS và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống IS cũng như những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp có thể bị ảnh hưởng bởi những bất đồng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì hiện nay, khi cả hai bên đều không đưa ra các nhượng bộ nhằm giảm căng thẳng sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kì bắn hạ máy bay Nga trên lãnh thổ Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Washington ngày 25/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kì đưa ra các bước đi nhằm giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Ông Obama nói: “Thổ Nhĩ Kì cũng giống như các nước khác có quyền bảo vệ lãnh thổ và không phận của mình. Tôi nghĩ, rất quan trọng để chắc chắn rằng Thổ Nhĩ Kì và Nga đang đối thoại với nhau, tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn căng thẳng leo thang”.
Vụ không quân Thổ Nhĩ Kì bắn hạ máy bay Nga trên lãnh thổ Syria là một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa một nước thành viên NATO và Nga trong một nửa thế kỉ qua. Là hai quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Syria, bất đồng ngoại giao này có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống khủng bố mà quốc tế đang phát động./.