Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ngày càng có thêm ủng hộ của các nước trên thế giới, để tiến tới tiêu diệt các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Mỹ thừa nhận đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài và khó khăn, trong khi đó đã xuất hiện cảnh báo về mối đe dọa tới an ninh khu vực và quốc tế xuất phát từ các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu.

us_syria_air_strik_3047717k_xxey.jpgTháp truyền hình ở Raqqa bị tên lửa Mỹ phá hủy (Ảnh AFP)

Đêm 23/9, Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Sau cuộc không kích đầu tiên ngày 22/9 do mình Mỹ tiến hành, các đợt tấn công tiếp theo có sự tham gia của máy bay chiến đấu từ các nước Arab.

Trung tướng William Mayville, chỉ huy các chiến dịch của Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ cho biết, Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng những chiến đấu cơ tân tiến nhất để tấn công sào huyệt của nhóm Hồi giáo cực đoan tại khu vực Raqqa, ở miền Bắc Syria.

Thông tin từ các nhà hoạt động tại Syria cho biết, các cuộc không kích của Mỹ đã tiêu diệt ít nhất 70 tay súng của Nhà nước Hồi giáo, trong khi các nhóm cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Còn theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, chiến dịch không kích ngày 23/9 do Mỹ dẫn đầu đã nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo trên khắp Syria, từ Raqqa và Aleppo ở miền Bắc tới vùng Deir al-Zor ở miền Đông. Trong đó, khu vực Deir al-Zor gần biên giới với Iraq đã hứng chịu 20 cuộc oanh tạc trong ngày 23/9, bao gồm 1 trường học và một khu trại huấn luyện của lực lượng cực đoan.

Việc có 5 nước Arab cùng tham gia chiến dịch truy quét Nhà nước Hồi giáo tại Syria, Mỹ khẳng định không đơn độc trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, song đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài.

Tổng thống Barack Obama cho biết, việc máy bay của Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan, Barhain và Qatar sát cánh cùng lực lượng Mỹ là tín hiện cho thấy người dân Trung Đông “đang đứng lên vì hòa bình và an ninh mà khu vực này xứng đáng có được”.

Ông Obama khẳng định sẽ kiên trì theo đuổi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác có liên hệ với Al-Qaeda, như nhóm Khorasan, đến cùng.

Ngày 23/9, phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Arab tại New York, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Chúng ta có cơ hội để gửi đi thông điệp rằng thế giới đoàn kết để tiêu diệt không chỉ Nhà nước hồi giáo, mà còn tất cả các lực lượng cực đoan. Chúng tôi đánh giá cao lực lượng liên minh, với những cam kết rằng, chủ quyền tại Iraq chỉ có thể duy trì với sự toàn vẹn lãnh thổ và tự chủ về an ninh. Chúng ta đã cam kết về sự hòa bình tại Syria để vấn đề an ninh không trở thành gánh nặng với các nước láng giềng. Chúng ta cũng cam kết rằng hàng triệu người dân có thể trở về nhà và có thể sống trong hòa bình”.

Giới chức an ninh Mỹ nhận định, Syria hiện đang là “thiên đường dung dưỡng” của lực lượng khủng bố và Mỹ cùng các đồng minh sẽ không để “thiên đường” này tồn tại. Giới chức Mỹ nhấn mạnh chiến dịch tấn công các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Syria là rất thành công.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã lên tiếng trước việc dân thường Syria nằm trong con số thương vong vì chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu, đồng thời cảnh báo mối đe dọa tới an ninh và hòa bình thế giới.

Ông Ban Ki Moon nói: “Bảo vệ người dân Syria đòi hỏi phải hành động ngay lập tức, nhưng hành động này phải dựa trên các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc. Tôi lấy làm tiếc khi có người dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích tại Syria. Các bên tham gia chiến dịch này phải có những biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh và giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tôi biết rằng cuộc không kích của Mỹ được tiến hành mà không theo yêu cầu trực tiếp từ chính phủ Syria”.

Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các nước trên thế giới, trong đó có Nga, tham gia chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo. Nga đã nhiều lần nhận được đề nghị từ Mỹ song chưa đưa ra câu trả lời. Các nguồn tin từ Nga cho biết, Hội đồng an ninh nước này đã nhóm họp tại Moscow để thảo luận việc có hay không tham gia các chiến dịch tại Iraq và Syria.

Theo giới quan sát, Nga có “lợi ích” trực tiếp trong cuộc chiến này và Nga hiểu rõ hơn ai hết về cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan sau cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ qua với lực lượng này tại nước Cộng hòa Chechnya./.