Tạp chí kinh tế trực tuyến "Tiền tệ và Thị trường" (MAM), một tạp chí dự báo kinh tế có uy tín ở Mỹ, cho rằng "con bài đôminô" kinh tế tiếp theo sẽ là Bồ Đào Nha. Cũng như Hy Lạp và Ireland, cho đến nay Bồ Đào Nha vẫn khẳng định nước này sẽ trả được nợ và không cần sự giúp đỡ tài chính từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay bất cứ tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nào. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha hiện đã lên tới gần 10% GDP, nợ phải thanh toán đã lên tới 90% GDP.
Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor's tuyên bố sẽ giảm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu và Moody's Investors Service sẽ giảm 2 bậc tín dụng của Bồ Đào Nha. Các nhà đầu tư quốc tế đã phải bán tháo trái phiếu của nước này khiến lệ phí vay nợ của Bồ Đào Nha tăng cao. Lãi suất trái phiếu thời hạn 3 năm đã tăng lên 5,4% tháng 12/2010 trong khi lãi suất trái phiếu 10 năm đã tăng lên 7%. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm được bán ra đầu năm 2010, đến nay đã mất 18% giá trị. Các nhà kinh tế của MAM cho rằng Bồ Đào Nha chỉ còn bước rất nhỏ nữa là "sát gót" Hy Lạp và Ireland. Sau Bồ Đào Nha, các nền kinh tế Bỉ, Tây Ban Nha hay Italia đều là các "ứng viên" có nguy cơ lớn trở thành "con bài đôminô" kế tiếp.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục phải chuẩn bị cho các vụ vỡ nợ tiếp theo của các nền kinh tế trong khu vực. Các cơ quan kinh tế có thẩm quyền của EU đã kiến nghị nâng quy mô Quỹ cứu trợ vỡ nợ của EU từ 440 tỷ euro hiện nay lên 1.000 tỷ ơrô, vì Bồ Đào Nha có thể chưa phải là "quân đôminô" cuối cùng. Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công vẫn tác động trầm trọng đến các nền kinh tế EU, các máy in tiền của châu Âu đang hoạt động hết công suất và đây là lĩnh vực kinh tế duy nhất ở châu Âu có "triển vọng làm ăn phát đạt"./