Những ngày sắp tới sẽ là một thước đo quan trọng về tương lai của mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để thông qua một loạt các cải cách theo yêu cầu của Liên minh châu  Âu, để đổi lại có thể nhận được quyền miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

tho_nhi_ky_czro.jpg
Miễn thị thực là một phần trong thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu giữa 28 nước thành viên của khối và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh minh họa: johnnyjet)

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu ngày mai (4/5) sẽ đưa ra đánh giá về các bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực hiện các tiêu chí mà khối đề ra, đồng thời đưa ra đề xuất miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 6 tới.

Miễn thị thực là một phần trong thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu giữa 28 nước thành viên của khối và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vào tháng 3 vừa qua. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, châu Âu cũng chứng kiến số lượng người di cư bất hợp pháp giảm đáng kể.

Trong những ngày qua, các đảo của Hy Lạp thông báo không có bất cứ người di cư nào đến với nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua khẳng định, số người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp đang giảm dần, hoan nghênh thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ giúp ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu thành công.

Ông Davutoglu nói: “Sau ngày 4/4, số người di cư tới châu Âu bằng các con đường bất  hợp pháp đã giảm mạnh. Số người di cư đến các đảo của Hy Lạp từ biển Aegean trong tháng 4 chỉ khoảng 80-90 người. Thực tế số người di cư đến châu Âu giảm từ 6.800 người xuống còn 80 đến 90 người. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với châu Âu đang mang lại thành công cụ thể”.

Trước những dấu hiệu tích cực như vậy, Tuyên bố của Ủy ban châu Âu đưa ra ngày 2/5 nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực trong những tuần qua để đáp ứng tiêu chí của EU, bao gồm nới rộng các yêu cầu tiếp cận thị trường lao động đối với người tị nạn không có quốc tịch Syria….

Trưởng đoàn đàm phán của EU với Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkır cũng khẳng định, không có rào cản trên con đường tiến tới miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai bên đều đang thực hiện trách nhiệm của mình theo thỏa thuận.

Nếu mọi việc đúng hướng, châu Âu sẽ đưa ra đánh giá về những tiến bộ trong việc đáp ứng các tiêu chí của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày mai (4/5) và đề xuất miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kì từ cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc liệu có trao cơ chế miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức công bố vào cuối tháng 6 tới bởi các nước thành viên EU và nghị viện châu Âu.

Đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhận được cơ chế miễn thị thực mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở các khu vực đô thị luôn chỉ trích về sự hạn chế thị thực tới châu Âu.

Ngoài ra, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi đặc quyền này là một chiến thắng chính trị trước những phe đối lập trong nước, sau nhiều năm quan hệ lạnh nhạt với Liên minh châu Âu.

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đã giúp nghiêng cán cân về Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán với EU về quyền miễn thị thực. Nước này cũng đã không ngừng sử dụng vũ khí này với nhiều lần cảnh báo ngừng hợp tác về cuộc khủng hoảng di cư để gây áp lực lên châu Âu.

Các quan chức châu Âu luôn khẳng định khối này không thỏa hiệp và cơ chế này chỉ được áp dụng khi Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng 72 điều kiện kĩ thuật và pháp lý. Nhiều chuyên gia phân tích cũng lo ngại, để quyết định miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 6 tới cũng đối mặt với không ít rào cản.  

Một số nước ở khu vực Bắc Âu hiện cho rằng, điều này sẽ giúp cho khách du lịch Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng lưu lại thời gian quá 90 ngày theo cơ chế mới. Trong khi đó, nhiều người cũng nhận định, trao cơ chế cho Thổ Nhĩ Kỳ là một sự nhượng bộ lớn đối với nước này vào thời điểm vẫn còn lo ngại về vấn đề nhân quyền, tự do báo chí… tại quốc gia này.

Chính phủ các nước EU cũng lo ngại rằng, nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tổn hại đến uy tín của EU, đặc biệt vào thời điểm các Đảng chính trị cánh tả đang bắt đầu gia tăng xu thế tại châu Âu./.