Trong khi một số nước đã tuyên bố vượt qua đỉnh dịch và bắt đầu tiến hành nới lỏng các hạn chế xã hội, cũng như tính đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế; thì tại 1 số khu vực và quốc gia khác, tình hình dịch bệnh vẫn đang là “nghiêm trọng và rất nghiêm trọng”, buộc chính quyền các nước phải thắt chặt các quy định phòng dịch hơn nữa.

b7.jpg
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tuần qua là 1 bức tranh mang những gam màu tối, sáng đan xen. Ảnh: Reuters

Suốt 3 tuần nay (kể từ ngày 11/4), Mỹ luôn là quốc gia đứng đầu thế giới về tổng số ca tử vong, lẫn số ca mắc Covid-19, chiếm gần 1/3 tổng số ca mắc và hơn 1/4 tổng số ca tử vong toàn cầu. Ngày 1/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ hi vọng số ca tử vong ở nước này sẽ không vượt quá 100.000 người.

“Nhiều người đã nghĩ về hậu quả là sẽ có 1,5 triệu đến 2,2 triệu sẽ tử vong vì Covid-19. Chúng tôi đang mong muốn con số này sẽ ở dưới mức 100.000 người. Đây vẫn là 1 con số khủng khiếp. Mọi thứ đã xảy ra dù dịch bệnh này vốn có thể được ngăn chặn ngay từ nguồn”.

Tại 1 số bang của Mỹ, tình hình dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch nới lỏng các hạn chế và mở cửa lại các doanh nghiệp nhằm tái khởi động nền kinh tế. Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner mới đây đã bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng phần lớn nước Mỹ có thể “trở lại bình thường” vào tháng 6 tới.

“Tôi nghĩ rằng tháng 5 sẽ là một tháng chuyển tiếp, khi rất nhiều bang bắt đầu mở cửa theo giai đoạn khác nhau, dựa trên các hướng dẫn an toàn mà Tổng thống Donald Trump đã vạch ra ngày 19/4 vừa qua. Theo tôi, sang tháng 6 phần lớn đất nước sẽ trở lại bình thường và hy vọng vào tháng 7, nước Mỹ sẽ thực sự tăng tốc trở lại”, ông Jared Kushner khẳng định.

Dẫu vậy, theo cuộc thăm dò mới nhất được công bố ngày 1/5, hiện có tới 66% người Mỹ được khảo sát khẳng định họ chưa muốn quay trở lại làm việc trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tại 1 số quốc gia Tây Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… từng là những điểm nóng về dịch Covid-19, hiện đã xem xét kế hoạch dỡ bỏ các lệnh hạn chế xã hội, bước đầu nối lại hoạt động kinh tế. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, nước này sẽ cho phép các nhà máy và lĩnh vực xây dựng hoạt động từ ngày 4/5 trước khi thông qua việc mở cửa trở lại nhiều doanh nghiệp hơn trong những tuần tiếp theo.

Trong khi đó, Đức sẽ mở cửa lại các sân chơi, bảo tàng và nhà thờ từ 6/5. Các cửa hàng nhỏ đã mở cửa trong tuần này và quyết định sẽ tiếp tục từng bước mở cửa các trường học và sự kiện thể thao trong những ngày tới khi thực hiện nới lỏng lệnh phong toả. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cảnh báo về mức độ rủi ro dịch bệnh quay trở lại nếu người dân không cảnh giác và quên đi khuyến cáo giãn cách xã hội.

“Cho đến nay chúng ta đã thành công trong việc làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục hành động để đảm bảo số các ca mắc giảm nhanh hơn nữa. Nếu các ca mắc tiếp tục tăng trở lại thì chắc chắn chúng ta cần phải có hệ thống cảnh báo nhanh chống và đối phó kịp thời”.

 >> Xem thêm: Số ca mắc Covid-19 gần 3,4 triệu, số ca tử vong ở Mỹ như thời chiến tranh

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, thời điểm bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa quốc gia, dự kiến vào 11/5 tới, không có nghĩa là trở lại cuộc sống bình thường. 

Ở Tây Ban Nha, một bệnh viện dã chiến lớn ở thủ đô Madrid đã chính thức đóng cửa ngày 1/5 vừa qua, cho thấy kết quả thành công nhất định của quốc gia này trong công tác phòng chống dịch Covid-19.  Bắt đầu từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha cũng sẽ được phép tự do ra đường để đi dạo hoặc chơi thể thao. 

Tại Anh, số ca tử vong theo ngày vẫn ở mức cao (gần 750 người trong ngày 1/5), khiến lãnh đạo nhiều vùng tại Vương quốc Anh cho rằng hiện tại vẫn chưa đủ an toàn để tính đến chuyện nới lỏng hoặc gỡ bỏ phong toả - điều này trái ngược với tuyên bố lạc quan ngày 30/4 của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng ông sẽ công bố kế hoạch gỡ phong toả trong tuần tới.

Một điểm nóng của dịch Covid-19 đang được thế giới hết sức quan tâm chính là Nga, khi số ca mắc trong 1 ngày lên tới gần 8.000 trường hợp. Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Nhà ở Nga cũng đã thông báo dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các hạn chế phòng dịch ở Nga đã được kéo dài đến ngày 11/5 tới.  Tổng thống V.Putin đã chỉ thị chuẩn bị các khuyến nghị về dỡ bỏ từng giai đoạn các hạn chế từ ngày 12/5 khi điện Kremlin tin rằng, Nga đã đạt đỉnh dịch và tình hình tại thủ đô Mosocw đang dần ổn định. 

Việc các nước nới lỏng các hạn chế được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo “thận trọng”, bởi dịch bệnh sẽ không kết thúc “sớm”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nước đẩy mạnh việc xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân, cách ly và điều trị các trường hợp mắc bệnh để xu hướng giảm của dịch bệnh được tiếp diễn. Tuy nhiên, thực tế đại dịch còn lâu mới kết thúc. Chúng tôi quan ngại xu hướng dịch bệnh đang gia tăng ở các nước châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và một số nước châu Á”.

Trong khi Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 1/5 cảnh báo khu vực Mỹ Latinh, với những điểm nóng như Brazil và Mexico, sẽ đối mặt với thảm họa khi chính phủ các nước trong khu vực này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, để tìm kiếm sự “bình thường mới” trong khi mối đe dọa của điều “tồi tệ” nhất đang đến gần – hay nói cách khác là đỉnh dịch chưa qua.

Tại châu Á, giới chức Singapore mới thừa nhận sự bùng phát dịch tại các khu nhà ở lao động nước ngoài tiếp tục là một thách thức và sẽ phải mất vài tuần nữa mới có thể kiểm soát được. Hiện Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly toàn diện đối với tất cả lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại 43 khu nhà ở thêm 2 tuần, tới ngày 18/5.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tuần qua vẫn khá phức tạp trên thế giới, câu chuyện về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cũng là chủ đề nóng gây tranh cãi trong những ngày qua. Nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển… đã kêu gọi hoặc ủng hộ 1 cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus cũng như trách nhiệm của WHO và Trung Quốc ở thời điểm đầu bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, WHO và giới tình báo Mỹ đã đưa ra nhận định ban đầu rằng, loại virus này không phải do con người tạo ra mà có nguồn gốc tự nhiên./.