Hôm 30/7,  sau cuộc họp tại thủ đô Manama của Bahrain, ngoại trưởng 4 quốc gia Arab đang cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đã ra tuyên bố chung nêu rõ, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain sẽ tiếp tục tẩy chay Qatar và sẽ không rút lại các yêu cầu đối với nước này, song cũng nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Doha nếu quốc gia vùng Vịnh này thực thi các yêu cầu của họ.

thu_do_doha_gckw.jpg
Thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Trung Hiếu/VOV.VN.

Với tuyên bố này của 4 nước Arab  thì tình hình căng thẳng tại khu vực Vùng Vịnh chưa thể hạ nhiệt khi các bên liên quan vẫn chưa chịu xuống thang.

Tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Bahrain Khaled bin Khalifa đã trình bày bản tuyên bố chung, trong đó khẳng định 4 nước Arab sẽ không rút lại bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bahrain Khalifa nhấn mạnh 4 nước sẵn sàng đối thoại với Qatar với điều kiện:  “4 nước sẽ đối thoại cùng Qatar với điều kiện họ phải tuyên bố sẵn sàng ngừng tài trợ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đồng thời khẳng định cam kết không can thiệp vào vấn đề ngoại giao của các quốc gia khác cũng như phản hồi đối với 13 yêu cầu mà chúng tôi đưa ra".

Tại cuộc họp ở Manama, ngoại trưởng 4 nước Arab và vùng Vịnh đã thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng Qatar, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước Arab và loại bỏ chủ nghĩa khủng bố nhằm đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Ngoài ra, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cho biết sẽ cho phép các máy bay của Qatar sử dụng các hành lang hàng không trong trường hợp khẩn cấp. Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia dẫn tuyên bố của Cơ quan Quản lý Hàng không Saudi Arabia cho biết, vương quốc vùng Vịnh này đã đồng ý cho phép máy bay của Qatar sử dụng các hành lang hàng không khẩn cấp dưới sự giám sát của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Saudi Arabia còn thông báo nước này sẽ mở cửa các hành lang hàng không khẩn cấp cho máy bay Qatar từ ngày 1/8. Theo hãng thông tấn SPA, có 9 hành lang hàng không khẩn cấp đã được xác định, trong đó có không phận quốc tế trên Địa Trung Hải do giới chức Ai Cập giám sát. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải Qatar cho hay giới chức ngành hàng không nước này đã từ chối đề nghị của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Bahrain.

Với những diễn biến này thì có thể thấy các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh vẫn chưa có ý định nhượng bộ lẫn nhau. Mặc dù cộng đồng quốc tế và các nước liên quan đều tuyên bố có ý chí để có những cuộc đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên các bên đã có những lập trường và yêu cầu khác nhau. Chính vì thế mà hiện cuộc căng thẳng tại vùng Vịnh vẫn chưa thể tháo gỡ.

Ông Samer S. Shehata, Phó giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế, Học viện Nghiên cứu Doha của Qatar nói:  “Ngay từ đầu Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã đưa ra những yêu cầu vượt quá khả năng của Qatar. Tôi không nghĩ rằng, các nước Arab đưa ra những yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, Qatar cũng phải chứng minh rằng họ có những thay đổi để các bên có thể tìm ra những con đường để thoát ra khỏi khủng hoảng. Đây  là cách để các bên tìm ra một sự thỏa hiệp, hoặc là chấp nhận các yêu cầu hoặc từ chối chúng”.

Trước đó, ngày 5/6 vừa qua, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Phía Qatar luôn phủ nhận cáo buộc này. Liên minh do Saudi Arabia đứng đầu sau đó đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm và đặt hạn chót 10 ngày để Qatar thực hiện, trong đó có việc yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này và hạ cấp quan hệ với Iran.

Với nỗ lực hòa giải của Kuwait, 4 nước Arab và vùng Vịnh đã kéo dài "hạn chót" thêm 48 giờ. Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách, cho rằng hành động của các nước Arab là xâm phạm chủ quyền của Qatar. Mới đây nhất, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain đã có phần nhượng bộ khi giảm bớt từ 13 xuống còn 6 yêu cầu, song Qatar vẫn cương quyết phản đối.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh ngày càng rơi vào ngõ cụt giữa lúc các bên không những không thỏa hiệp mà còn tiếp tục chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau. Hôm 25/7, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain công bố "danh sách đen" gồm 18 tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố". Trong số này, có 3 công dân Qatar bị cáo buộc liên quan hoạt động "gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria". Phản ứng trước động thái này, Qatar cho rằng "danh sách đen" không có cơ sở thực tế và xâm phạm chủ quyền của Qatar./.