Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine “Sputnik Light” bắt đầu vào 17/02/2021 và kết thúc vào 28/01/2022. Bốn nghìn tình nguyện viên sẽ tham gia vào nghiên cứu, diễn ra tại 15 tổ chức y tế ở Moscow, Kaliningrad, St. Petersburg, Saratov và Smolensk.
Trước đó, vaccine “Sputnik Light” đã được Tổng thống Nga - Vladimir Putin thông báo. Theo ông, thời gian tác dụng của loại thuốc này sẽ ngắn hơn, nhưng có thể tiêm chủng cho nhiều người. Sau đó, Giám đốc Trung tâm Gamaleya Alexander Ginzburg giải thích rằng, miễn dịch từ sử dụng loại vaccine này được hình thành trong vòng ba tuần và sẽ kéo dài trong khoảng 3-4 tháng. Nhiệm vụ chính của việc sử dụng một loại thuốc như vậy là giảm số ca tử vong do nhiễm Covid-19 ở những quốc gia có tỷ lệ tử vong rất cao. Đồng thời, tiêm chủng truyền thống với hai thành phần sẽ được sử dụng ở Nga.
Giấy phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 “Sputnik Light” do Bộ Y tế Nga cấp cho Trung tâm Gamaleya vào tháng 1/2021. Ngày 12/2, ông Ginzburg thông báo, Trung tâm đang hoàn thành giai đoạn hai của thử nghiệm lâm sàng.
Trong diễn biến liên quan, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về virus và Công nghệ Sinh học "Vector" đã xác nhận hiệu quả của vaccine Sputnik-V và EpiVacCorona của Nga chống lại biến thể mới của Covid-19 ở Anh.
Hiệu quả bảo vệ đã được chứng minh trong các phản ứng trung hòa với việc sử dụng huyết thanh thu được từ những người được tiêm vaccine Sputnik-V và EpiVacCorona và có chứa kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Huyết thanh của những người được tiêm chủng đã vô hiệu hóa hiệu quả cả biến thể ở Anh và loại thông thường.
Trước đó, Tổng thống V.Putin đã chỉ thị cho chính phủ phân tích hiệu quả của vaccine Nga chống lại các chủng Covid-19 mới.
Tính đến ngày 17/2, tại Nga đã có hơn 3 triệu người tiêm vaccine ngừa Covid-19, riêng tại thủ đô Moscow là hơn 555.000 người và gần 60.000 người đã đăng ký tiêm trong 2 tuần tới. Cũng trong ngày 17/2, tại Nga ghi nhận dưới 13.000 ca mắc Covid-19 mới. Đây là con số thấp nhất kể từ 9/10/2020./.