Việc rời đi này diễn ra sau vụ bắt giữ 6 nhà nghiên cứu Trung Quốc với cáo buộc nói dối về mối liên hệ của họ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong đơn xin cấp thị thực, đồng thời là lời cảnh báo đến đại sứ Trung Quốc rằng, các cá nhân không khai báo trung thực về tình trạng của mình sẽ phải rời đi hoặc bị bắt giữ.
Số liệu trên là một con số đáng chú ý. Một số chuyên gia cũng như cựu quan chức FBI nhận định, số nhà nghiên cứu thực sự hiện làm việc cho PLA có thể thấp hơn nhiều. Họ cho rằng có thể tất cả những người trên đều có liên hệ với quân đội ở một vài thời điểm và phải đứng trước sức ép làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa đưa ra phản hồi về việc này.
Hồi tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo các bản cáo trạng cáo buộc 6 công dân Trung Quốc che giấu mối quan hệ của họ với PLA. Một người trong số này đã cố gắng thoát khỏi lệnh bắt giữ bằng cách xin tị nạn trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Các cơ quan liên bang cho biết, một nhà nghiên cứu Trung Quốc theo lệnh đã nghiên cứu sơ đồ một phòng thí nghiệm y tế để sao chép nó ở Trung Quốc trong khi một người khác đánh cắp mã phần mềm mà cố vấn của anh tại Trường Đại học Virginia đã phát triển trong 2 thập kỷ.
Những vụ bắt giữ trên, cùng với lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hồi tháng 7 là một tín hiệu với Bắc Kinh, các quan chức Mỹ cho hay.
"Những vụ việc đó giúp chúng tôi gửi thông điệp với chính phủ Trung Quốc rằng: Nếu họ tiếp tục cử các cá nhân tới đây, họ sẽ phải trung thực và không được che giấu về mối liên hệ của những người này với chính phủ và quân đội Trung Quốc", Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John Demers cho hay.
Theo quan chức này, mục đích của việc truy tố "không chỉ làm gián đoạn hoạt động của các cá nhân trên mà còn các hoạt động trộm cắp rộng khắp của Trung Quốc với các nghiên cứu của Mỹ".
FBI và Bộ Tư pháp Mỹ biết rõ về quy mô rộng khắp từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm có được công nghệ của Mỹ song họ cảm thấy rất bất ngờ bởi sau vụ đóng cửa lãnh sự quán, có quá nhiều người rời khỏi Mỹ, một quan chức Mỹ cho hay.
James Mulvenon, một chuyên gia nghiên cứu về hoạt động gián điệp của Trung Quốc cho biết kể từ tháng 6, FBI đã phỏng vấn 50 - 60 nhà nghiên cứu tại 30 thành phố được cho là có liên hệ với PLA.
Theo ông Mulvenon, sau khi chính phủ Trung Quốc biết được mối quan tâm của FBI đến những cá nhân này, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng cảnh báo các nhà nghiên cứu trên về cuộc điều tra của FBI, đồng thời hối thúc họ xóa sạch các thông tin trên các thiết bị điện tử và mạng xã hội.
Những hành động như vậy khiến FBI nghi ngờ các hành động của Trung Quốc có thể có quy mô lớn hơn so với những suy nghĩ ban đầu.
Các động thái của Bộ Tư pháp là một phần trong sáng kiến 2 năm nhằm làm gián đoạn và ngăn cản những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ.
Ông Demers nhấn mạnh chính phủ Mỹ không nhắm vào những người này vì sắc tộc của họ.
"Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào cách hành xử chứ không phải sắc tộc của họ", quan chức Mỹ khẳng định, đồng thời cho biết việc các cá nhân che giấu mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc là sự vi phạm cốt lõi tính nhất quán của một tổ chức học thuật.
"Tất cả vấn đề xoay quanh sự minh bạch", ông Demers khẳng định./.