Hội nghị cho rằng hệ lụy mà Brexit gây ra sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư và trong trung hạn, có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ủy viên phụ trách tài chính của Liên minh châu Âu Pierre Moscovici cho rằng, tăng trưởng tổng sản phẩm nội khối (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2017 có thể giảm đi từ 0,2% đến 0,5% và đây mới chỉ là ước tính bước đầu.
Brexit sẽ khiến tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm từ 0,3% đến 0,5% trong vòng 3 năm tới. (ảnh: rte.ie). |
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng dự báo Brexit sẽ khiến tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm từ 0,3% đến 0,5% trong vòng 3 năm tới.
Trong cuộc họp ngày 11/7, Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng thảo luận về tình hình khó khăn của các ngân hàng Italy hiện nay. Ở khu vực đồng tiền chung, các ngân hàng Italy bị tác động mạnh nhất kể từ sau khi nước Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi mái nhà chung châu Âu (Brexit) hôm 23/6 vừa qua.
Brexit đã khiến cổ phiếu của các ngân hàng tại Italy mất giá tới 30%. Riêng cổ phiếu của ngân hàng lâu đời nhất tại Italy là Monte dei Paschi di Siena sụt giá tới 45%. Bên cạnh đó, các ngân hàng của Italy cũng đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu lên tới 360 tỷ Euro, chiếm tới một phần ba tổng số nợ xấu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Các chuyên gia nhận định “rắc rối” của ngành ngân hàng có thể đẩy Italy rơi vào tình trạng suy thoái. Do đó, Chính phủ Italy muốn đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng nước này.
Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 11/7, nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone cho rằng, sự trục trặc của các ngân hàng Italy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và chưa cần phải giải quyết ngay lập tức. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, cần phải chờ kết quả các cuộc kiểm tra mà cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu đang tiến hành.
Hệ lụy mà Brexit gây ra sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư ở khu vực Eurozone. (ảnh: KT). |
Trong khi đó, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng, các ngân hàng gặp trở ngại của Italy không gây nên khủng hoảng sâu sắc, và việc giải quyết vấn đề sẽ là một quá trình dần dần: “Tất nhiên là có nhiều vấn đề về các khoản nợ xấu ở các ngân hàng Italy. Nhưng nó không phải là vấn đề mới. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này, nhưng nó sẽ được giải quyết từ từ, chứ không phải là ngay lập tức. Việc đưa ra giải pháp cứu trợ tức thì sẽ không khả thi trong trường hợp này và nó cũng không phải là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.
Ngoài vấn đề tác động của Brexit, hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone cũng bàn bạc về những diễn biến mới ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với sự quan ngại nhất định. Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, rất nhiều khả năng hai nước này sẽ bị phạt bởi để thâm hụt ngân sách vượt mức quy định của Eurogroup.
Trước đó, Uỷ ban châu Âu (EC) trong tuần trước đã kết luận, trong năm 2015, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đã không đạt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và không có các biện pháp đối phó phù hợp. Trong ngày 12/7, Hội nghị sẽ bàn bạc sâu hơn các bước đi tiếp theo đối với hai nước này./.