Quyết định từ chức của lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP) của ông Nigel Farage ngày 4/7 là những diễn biến mới nhất trên chính trường Anh sau khi người dân nước này lựa chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Không giống như tuyên bố từ chức của Thủ tướng Anh David Cameron hay như quyết định từ bỏ cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng của cựu Thị trưởng London Boris Johnson, sự ra đi của ông Farage mang lại nhiều bất ngờ hơn là một cú sốc.

nigel_farage_xnfd.jpg
Ông Nigel Farage đã quyết định từ chức của lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP). (Ảnh: PA)

Quyết định dễ hiểu của ông Nigel Farage

Phát biểu với báo giới ngày 4/7, ông Farage cho biết ông chưa bao giờ có ý định trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp. Mục đích của ông khi tham gia chính trường là để “đưa nước Anh ra khỏi EU”. Do đó, theo ông, đây là thời điểm thích hợp để rời khỏi vị trí người đứng đầu đảng UKIP. 

Sau khi đã đạt được mục tiêu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 đó là đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), giờ đây Farage nói rằng ông “muốn cuộc sống quay trở lại”.

Chiến dịch ủng hộ Brexit khép lại theo cách đầy kịnh tính và tranh cãi. Sự ra đi của ông Farage đồng nghĩa với việc một nhân vật mang tính quyết định của giai đoạn hậu Brexit từ bỏ cuộc chơi.

Nước Anh sẽ có một vị Thủ tướng mới và có thể là cả một nhà lãnh đạo phe đối lập mới để xây dựng sự thống nhất nhưng giờ đây tiến trình này còn bao gồm cả UKIP.

Chưa nói đến việc đóng góp cho sự thống nhất cho nước Anh, bản thân UKIP cũng đang gặp những vấn đề về nội bộ. Không phải tất cả các thành viên của UKIP đều hài lòng khi ông Nigel Farage quay ngoắt 180 độ, đảo ngược lời hứa từ chức nếu không giành được ghế trong Quốc hội Anh trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015.

Có thể áp lực lại một lần nữa “dâng lên” sau cuộc trưng cầu ý dân vừa qua.

Thay vì quyết định ở lại thêm và phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng, Farage lựa chọn ra đi để giữ gìn những gì đã đạt được cùng với UKIP.

Có thể còn những lựa chọn khác cho Nigel Farage nhưng quyết định ra đi của ông được cho là không quá khó hiểu bởi sau sự kiện ngày 23/6/2016, UKIP đã đạt được mục tiêu lúc thành lập đó là đưa Anh ra khỏi EU. Chính vì lẽ đó, sẽ là không quá khi nói rằng, công việc của Farage giờ đây đơn giản chỉ là dọn dẹp đồ đạc và bỏ đi.

Nigel Farage ra đi nhưng tương lai của UKIP vẫn rộng mở

Vẫn có một cơ hội để UKIP “tự đánh bóng” tên tuổi của mình và trên thực tế quá trình này đang diễn ra. UKIP có thể học theo mô hình các đảng cực hữu ở châu Âu như đảng Nhân dân Đan Mạch hoặc ở cấp độ thấp hơn một chút là đảng Mặt trận Quốc gia Pháp.

Tương lai của đảng UKIP vẫn rộng mở sau sự ra đi của ông Farage. (Ảnh: Reuters)

Những đảng này thường vận động tranh cử bằng cách đề cập đến vấn đề người nhập cư nhằm giành lấy sự ủng hộ của những cử tri bản địa thuộc tầng lớp lao động vốn cảm thấy mình “bị bỏ lại đằng sau”.

Cuộc khủng hoảng tại Công Đảng cũng như nỗi lo ngại về việc khu vực miền Bắc nước Anh - nơi UKIP nhận được rất nhiều sự ủng hộ có thể sẽ không còn là “mảnh đất lành” đối với họ có thể khiến UKIP "đánh liều" tìm cách thu hút nhưng cử tri "bị bỏ lại đằng sau" nói trên.

Cho đến trước khi Nigel Farage từ chức, vẫn chưa rõ ông có phải là nhân vật phù hợp nhất để đứng ra vận động những cử tri đó hay không. UKIP giờ đã có thể chọn một nhà lãnh đạo phục vụ cho đường hướng đã chọn và phó thủ lĩnh UKIP Paul Nuttal là một sự lựa chọn hiển nhiên nhất trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhận định của giới quan sát, người sẽ trở thành Thủ tướng Anh tới đây hoàn toàn có thể chú ý trao cho UKIP cơ hội có được sự hiện diện lớn hơn trong Quốc hội Anh sau Brexit.

Chiến thắng hay bi kịch?

Những gì mà ông Nigel Farage để lại chắc chắn sẽ được nhìn nhận theo hai cách hoàn toàn trái ngược, tùy thuộc vào quan điểm chính trị của mỗi người.

Đối với một số người, Farage là hiện thân của phần lớn những sai lầm trong nền chính trị hiện đại. Những gì mà Farage đã làm chỉ là khơi dậy làn sóng chống người nhập cư khi kích động người dân bản xứ đòi quyền lợi bị ảnh hưởng bởi lao động nước ngoài.

Kịch bản anh rời khỏi EU đã khiến nhiều người phải bất ngờ. (Ảnh: srpskacaf)

Với những người không ưa Farage thì di sản mà ông để lại là sự phá hủy thống nhất trong Liên minh châu Âu, mở đường cho sự rút lui của Anh khỏi khối.

Tuy vậy, đối với những người khác, Farage lại là một trong những chính trị gia người Anh thành công nhất thời kỳ hậu chiến.

Năm 2013, nước Anh lần đầu tiên chứng kiến cú sốc mang tên UKIP. Đang là một đảng nhỏ vô danh, UKIP bất ngờ giành gần 1/4 số phiếu cử tri trong các cuộc bầu cử địa phương - kết quả chưa từng có kể từ sau Thế chiến II.

Chiến thắng này được cho là chính từ cương lĩnh chống EU mà đảng này theo đuổi, đặc biệt là thủ lĩnh Nigel Farage, người nhiều lần công kích EU ngay trên cương vị thành viên Nghị viện châu Âu.

Chiến thắng càng làm củng cố thêm sự tự tin của UKIP. Năm 2014, ông Farage và các đồng sự tiếp tục thắng lớn trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu với 24 ghế, xếp trên tất cả các đảng lớn của Anh. Cũng trong năm này, họ lần đầu tiên có nghị sĩ trong Quốc hội Anh.

Dù không thành công trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015, nhưng mối đe dọa mà UKIP tạo ra đã phần nào giúp ông Farage đạt được mục tiêu của mình là buộc Thủ tướng Cameron giữ lời hứa về một cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở lại EU.

Kết quả mà tất cả chúng ta đã biết trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 có thể được coi là thành công của UKIP bởi nó xảy ra đúng như mục tiêu hướng tới của đảng này ngay từ khi thành lập.

Chính vì lẽ đó, sẽ thật khó để trả lời cho câu hỏi sự ra đi của Nigel Farage là thành công hay thất bại trên con đường chính trị của ông, chỉ biết rằng, chính trị gia này đã chọn đúng thời điểm để “nhảy khỏi con tàu đắm” trong tư thế ngẩng cao đầu trước khi quá muộn./.