Các quan chức Mỹ thừa nhận tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã mở rộng địa bàn hoạt động sang tận Afghanistan. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama vừa đề nghị Quốc hội chính thức cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống IS, nhưng tiến trình rút binh sỹ Mỹ khỏi chiến trường Tây Nam Á này lại đang diễn ra theo đúng quỹ đạo, và điều đó khiến chính giới và chuyên gia lo ngại.

is_jfgv.jpgCác tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (Ảnh: mirror.co.uk)

Trong một thông báo gửi qua thư điện tử tới các phương tiện truyền thông hôm qua (12/2), Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bradlee Avots, thừa nhận việc IS mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực Nam Á là mối quan ngại vô cùng lớn. Tuy nhiên, ông Avots tìm cách trấn an dư luận khi khẳng định, Mỹ vẫn cam kết đảm bảo rằng Afghanistan hoặc Pakistan không trở thành một nơi trú ẩn an toàn, mà từ đó những kẻ bạo lực cực đoan có thể tấn công Mỹ hoặc các nước đồng minh.

Trong một thông báo tương tự, phát ngôn viên Phái bộ hỗ trợ của liên quân tại Afghanistan, Đại tá Brian Tribus, tin rằng nhóm này mới hình thành và khá nhỏ, nhưng vẫn có tham vọng mạnh mẽ mở rộng hoạt động ra khu vực Nam Á. Ông Tribus cho biết, lực lượng liên quân đã nhận thấy một số thành viên Taliban tự gán cho mình là Daesh - một tên gọi khác của IS, nhằm giành được các nguồn lực và sự chú ý.

Sự thừa nhận này diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại tỉnh Helmand của Afghanistan đầu tuần này, giết chết cựu thành viên Taliban từng bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo, Abdul Rauf, và đã trở thành một thủ lĩnh và chuyên gia tuyển mộ của IS. 7 cộng sự của Abdul Rauf, cũng bị tiêu diệt trong vụ tấn công này.

Trong khi giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về sự hiện diện của IS tại Afghanistan, giới chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Abdul Rauf và các cộng sự là một mối đe dọa đối với lực lượng Mỹ và cần bị trừ tiệt.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày hôm qua, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ - Đô đốc John Kirby nói: “IS đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các khu vực khác bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria, và chúng tôi hiểu rằng chúng có những tham vọng như vậy. Sự hiện diện của IS ở Afghanistan mới chỉ bắt đầu, nhưng trên thực tế tại thời điểm này chúng có nhiều tham vọng hơn bất kỳ nhóm nào khác”.

Sự hiện diện của IS tại Afghanistan diễn ra khi quân đội Mỹ đang giảm dần dấu ấn tại quốc gia Tây Nam Á này. Hiện, có gần 10.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch giảm số binh sỹ xuống còn 5.500 người vào cuối năm nay và đang củng cố hoạt động tại 2 căn cứ ở Afghanistan, tiếp tục giảm xuống còn 1.000 người vào cuối năm 2016, hầu hết sẽ đồn trú tại thủ đô Kabul.

Các quan chức đương nhiệm Mỹ quả quyết rằng họ có đủ nguồn lực cần thiết để truy lùng lực lượng khủng bố tại Afghanistan. Tuy nhiên, một cựu quan chức quốc phòng lại nói rằng đây là thời điểm để dừng việc rút quân Mỹ, cân nhắc đối tượng binh sỹ và các loại trang thiết bị tình báo cần duy trì ở Afghanistan để ngăn chặn al-Qaeda và các nhóm chân rết khôi phục hoạt động ở nước này.

Phát biểu trước các nghị sỹ trong phiên điều trần về Afghanistan, bà Michèle Flournoy, cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách, nói rằng Mỹ cần xem xét lại tốc độ và quy mô rút quân, phù hợp với những gì sẽ cần đến trong tương lai.

Bà Flournoy hiện là Giám đốc điều hành Trung tâm vì một an ninh mới của nước Mỹ (Center for a New American Security) đồng thời nhấn mạnh: “Tôi không tin thế bố trí bằng không tại Afghanistan sẽ phục vụ các lợi ích của Mỹ trong dài hạn, cụ thể là từ các mối đe dọa khủng bố mà chúng ta phải đối mặt và tầm quan trọng trong sự ủng hộ của Mỹ đối với Afghanistan”.

Các nghị sỹ Mỹ cũng lo ngại là IS có thể thiết lập được một sào huyệt ở Afghanistan sau khi các binh sỹ Mỹ rút đi, tương tự những gì đã xảy ra tại Iraq sau khi binh sỹ rút khỏi quốc gia Vùng Vịnh này vào năm 2011.

Phát biểu tại phiên điều trần về tình hình Afghanistan hôm qua, Thượng nghị sỹ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cũng xác nhận về sự hiện diện bước đầu của IS ở Afghanistan. Theo ông McCain, những mối đe dọa mà IS gây ra ở Afghanistan là thực chất và khá cao. Ông nhấn mạnh là Mỹ không thể để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda hoặc IS.

Các nghị sỹ, phần lớn là thành viên đảng Cộng hòa, nhiều lần bày tỏ lo ngại về kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Obama, và đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử Ashton Carter phải có những thay đổi khi cần thiết./.