Cao điểm ngày 24/9, hàng nghìn sinh viên ở Jakarta và nhiều tỉnh trên đảo Jawa và Sumatera đã tổ chức biểu tìnhtrước cửa các cơ quan lập pháp và một vài nơi đã biến thành bạo loạn.

Tại thủ đô Jakarta, trước cửa toà nhà tổ hợp nghị viện, hơn 5.000 sinh viên giương cao biểu ngữ và sử dụng loa phóng thanh truyền đi các thông điệp phản đối dự thảo Bộ luật hình sự, luật liên quan đến Uỷ ban chống tham nhũng, dự thảo luật đất đai và dự luật về nhân lực. Người biểu tình cho rằng các bộ luật mới sẽ làm suy yếu hệ thống chống tham nhũng quốc gia và ảnh hưởng tới nền dân chủ.

indo_1_kvdg.jpg
Biểu tình biến thành bạo loạn tại Jakarta (Kompas).

Chiều 24/9, cuộc biểu tình đã biến thành cuộc đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên khi đám đông ném đá, chai lọ vào cảnh sát. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích. Hơn 18.000 nhân viên cảnh sát được huy động và hàng rào thép gai đã được dựng lên để bảo vệ an ninh trước toà nhà tổ hợp nghị viện tại thành phố Jakarta.

Từ một tuần trước, phong trào biểu tình sinh viên với tên gọi "Time for People Power" (Thời điểm cho sức mạnh con người) đã được phát động trên mạng Twitter. Cuộc biểu tình cũng có sự tham gia của Hiệp hội Nông dân Indonesia. Họ phản đối chương trình cải cách nông nghiệp vì cho rằng chương trình này hoàn toàn bế tắc.

Người biểu tình phá hàng rào trước cửa nghị viện tại Đông Nam Jawa. (nguồn :Detik)

Bà Dewi Kartika, điều phối viên Hội nông dân quốc gia cho biết: "5 năm trôi qua, chương trình cải cách nông nghiệp do chính phủ hứa hẹn đã hoàn toàn bị đình trệ. Vùng đất của nông dân và người dân bị nhà nước tịch thu đã không được trả lại. Việc chiếm đất vẫn tiếp tục xảy ra. Giữa những lo ngại này, nếu chính phủ và Quốc hội Indonesia phê chuẩn Dự thảo Luật Đất đai thì sẽ chỉ làm tăng thêm các xung đột".

Tại tỉnh Sumatera, trên đảo Sulwesi, người biểu tình đốt lốp xe, phá hàng rào thép gai, phá cửa các trụ sở chính quyền để phản đối các dự thảo luật của Quốc hội.

Tại tỉnh Sulawesi, người biểu tình đốt xe trước cửa nghị viện. (nguồn: Detik)

Trước đó, ở thành phố Yogyakarta, trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp và một số nền tảng truyền thông xã hội phát đi cuộc gọi "Điện thoại Gejaya" kêu gọi hàng nghìn sinh viên thành phố này xuống đường biểu tình dự luật sửa đổi về chống tham nhũng, dự thảo Bộ luật Hình sự...

Các cuộc biểu tình diễn ra vài ngày nay, cùng thời điểm với các phiên họp toàn thể của Quốc hội Indonesia. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, ngày 23/9, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu Hạ viện Indonesia hoãn việc phê chuẩn dự thảo Bộ luật Hình sự và ba dự luật khác./.