Những tranh cãi giữa Iran và các cường quốc phương Tây về bản chất chương trình hạt nhân của nước này dường như vẫn chưa có lối thoát, khi các bên kiên quyết không từ bỏ lập trường.

bai-hat-nhan-iran.jpg
 Iran không có lý do gì phải nhượng bộ trước yêu cầu của các cường quốc phương Tây bởi vì Iran sản xuất urani cấp độ 20% (Trong ảnh: Tổng thốngAhmadinejad đứng trước thanh nhiên liệu chuẩn bị được cho vào lò phản ứng hạt nhân) (ảnh: Internet)
Nhật báo Korrassan dẫn lời người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran, ông Abbassi Davani ngày 27/5 khẳng định, Iran không có lý do gì phải nhượng bộ trước yêu cầu của các cường quốc phương Tây bởi vì Iran sản xuất urani cấp độ 20%, dù ít dù nhiều cũng là để đáp ứng nhu cầu của mình.

Ông này nhắc lại rằng, hồi tháng 2/2010, Iran đã bắt dầu làm giàu urani cấp độ 20% để sản xuất nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Tehrane sau thất bại của các vòng đàm phán với phương Tây về việc chuyển số urani đã làm giàu ở cấp độ thấp của Iran ra nước ngoài để đổi lấy nhiên liệu phục vụ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Tehran.

Việc làm giàu urani cấp độ 20% là nguyên nhân chính gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Trong khi Iran cho rằng, chỉ thuần túy vì mục đích hòa bình  các nước phương Tây lại cho là nước này đang che giấu một mục tiêu quân sự. Bởi nếu được làm giàu tới cấp độ 90%, urani có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân.

Phương Tây nhiều lần kêu gọi Iran ngừng làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, song nước này đều bác bỏ và khẳng định  mình có quyền phát triển hạt nhân hòa bình. Vòng đàm phán vừa qua giữa Iran và nhóm P5+1 tại Iraq dù được đánh giá là tích cực song cũng không đạt được bước đột phá nào, ngoài lời hứa hẹn… họp tiếp.

Các nhà phân tích thậm chí cho rằng, đây là một vòng đàm phán hạt nhân thừa đề xuất, thiếu cam kết. Cả Iran lẫn P5+1 đều đưa ra những gói đề xuất riêng, song lại không thể tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cơ bản. Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc đàm phán, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Ashton thừa nhận, giữa các bên vẫn còn những khác biệt lớn: “Rõ ràng tất cả các bên đều tỏ thiện chí muốn đạt được các bước tiến và trên thực tế đã có một số cơ sở chung. Tuy nhiên giữa các bên vẫn tồn tại những khác biệt lớn. Chúng tôi đã nhất trí các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trên cơ sở một cách tiếp cận và nhượng bộ từng bước. Chúng tôi vẫn quyết tâm giải quyết vấn đề thông qua đàm phán và sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được kết quả”.

Ngay mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo cho biết đã phát hiện tại cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, dấu vết của những hạt urani được làm giàu ở cấp độ 27%, cao hơn cấp 20% mà nước này đã tuyên bố. Dù được cho là "nằm trong phạm vi dao động" của hoạt động làm giàu thông thường, song điều này vẫn khiến các nước phương Tây lo ngại và tỏ ra khá thận trọng.

Mới đây, khi được hỏi liệu Chính phủ Mỹ có "quan ngại" về vấn đề này hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland chỉ nói rằng, Chính phủ Mỹ sẽ chờ thêm thông tin từ IAEA.

Có thể thấy, vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ không thể được giải quyết, chừng nào các bên vẫn khăng khăng với lập trường của mình. Ngay lúc này, trong khi các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, các cường quốc phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng sức ép với Iran.

Mỹ và các đồng minh châu Âu thỏa thuận từ đầu tháng 7 tới sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có việc cấm giao dịch với các ngân hàng của Iran và ngừng toàn bộ việc nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo này./.