Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến niềm tin của các hộ gia đình giảm mạnh trong tháng 3/2022, mất 6 điểm so với tháng trước. Sự bi quan thể hiện ở tất cả các chỉ số như chi phí sinh hoạt, triển vọng thất nghiệp, tình trạng tài chính, tiền tiết kiệm hay khả năng mua sắm các vật dụng quan trọng… đều ở ngưỡng màu đỏ.  

Theo viện INSEE, nếu lấy thang điểm trung bình là 100 thì chỉ số niềm tin hộ gia đình tại Pháp hiện nay chỉ đạt 91 điểm, kém xa so với con số 107 điểm ghi nhận hồi tháng 6/2017, thời điểm ông Emmanuel Macron bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống. 91 điểm cũng là số điểm thấp nhất từ trước đến nay ghi nhận được trước thềm một cuộc bầu cử tổng thống Pháp.  

Trong báo cáo của Viện INSEE, một chỉ số đáng lưu ý khác là triển vọng về mức sống của người dân cũng giảm 21 điểm và chưa có dấu hiệu cải thiện trong bố cảnh lạm phát đang tăng cao. Lần gần đây nhất Pháp phải đối mặt với những khó khăn tương tự trước thềm một cuộc bầu cử tổng thống là vào năm 2007, khi ông Nicolas Sarkozy đắc cử Tổng thống Pháp. 

Trong các cuộc thăm dò, chủ đề về sức mua vẫn được ưu tiên hơn cả khi nhận được sự quan tâm của 59% người Pháp. Sức mua cũng là chủ đề được các ứng cử viên Tổng thống khai thác để công kích chính phủ đương nhiệm.        

Lãnh đạo phe cực tả đang đứng thứ 3 trong các cuộc thăm dò ông Jean-Luc Mélenchon (đảng “Nước pháp bất khuất”) đề xuất áp đặt mức giá trần 1,4 euro cho mỗi lít nhiên liệu như trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, đồng thời nâng mức lương tối thiểu lên 1.400 euro/tháng.

Trong khi đó, đối thủ được coi là lớn nhất của ông Emmanuel Macron là nhân vật cực hữu bà Marine Le Pen (đảng “Tập hợp Quốc gia”) cho biết sẽ cải thiện sức mua thông qua điều chỉnh công cụ thuế.       

“Tôi sẽ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 20% xuống còn 5,5% đối với các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, điện và nhiên liệu. Điều chỉnh này sẽ trả lại cho các bạn 12 tỷ euro. Giá nhiên liệu đang tăng mất kiểm soát. Liệu chính phủ có hiểu rằng người dân Pháp không thể duy trì cuộc sống chỉ thêm vài ngày khi một bữa ăn đã tốn đến 10% mức lương tối thiểu của họ?”, bà Le Pen nói

Trong cương lĩnh tái tranh cử, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu giải ngân khoảng 50 tỷ euro mỗi năm để kích thích các chương trình kinh tế - xã hội, giúp người dân Pháp vượt qua thời điểm khó khăn do tác động của cuộc xung đột tại Ukraina. 

Các nhà phân tích nhận định cải thiện sức mua sẽ là thách thức không nhỏ đối với ông Macron hay bất cứ Tổng thống mới nào khi ngân sách công của Pháp năm 2021 đã thâm hụt 6,5%, vượt xa mức trần quy định của Liên minh châu Âu (EU) là 3%, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Pháp năm 2022 được dự báo giảm còn 2,8% so với mức 3,6% được đưa ra trước khi xung đột tại Ukraine diễn ra./.