Ngày 31/5, các ứng cử viên đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày 14/6 tới đã có các cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình với chủ đề chính là vấn đề kinh tế Iran trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò sau tranh luận cho thấy không ứng cử viên nào đạt được sự bứt phá.

8-ung-vien.jpg
Cả 8 ứng viên đều chưa có sự bứt phá nào trong lần tranh luận đầu tiên trên truyền hình (Ảnh: AP)

Tám ứng cử viên tham gia tranh luận gồm 3 chính trị gia theo đường lối cải cách và các ứng cử viên còn lại theo đường lối bảo thủ, trong đó có Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili. Theo Hiến pháp Iran, Tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm, phải là người theo đạo Hồi và không được tại vị quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad không được tranh cử lần này vì đã cầm quyền 8 năm.

Cuộc tranh luận kéo dài 4 tiếng đồng hồ, tập trung vào chủ đề kinh tế, trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò sau tranh luận cho thấy, chưa có ứng cử viên nào chiếm ưu thế. Nhiều ý kiến cho rằng, các ứng cử viên tập trung quá nhiều vào việc chỉ trích nội dung tranh luận mà truyền hình đưa ra. Trong khi một số khác lại tỏ ra thất vọng khi cho rằng, tất cả các ứng cử viên đều chỉ phê phán chính phủ hiện nay mà không đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho những vấn đề của đất nước. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đều nhất trí cho rằng, Iran cần phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ.

Từng thu được hơn 100 tỷ USD từ việc bán dầu mỏ trong giai đoạn 2011-2012, song Iran đang phải chứng kiến nguồn thu nhập từ dầu mỏ giảm mạnh, xuống gần một nửa kể từ đầu năm 2012 do lệnh cấm vận của phương Tây. Lệnh cấm vận tài chính cũng khiến nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với lạm phát tăng hơn 30% và giá trị đồng nội tệ nước này cũng giảm tới 70%.

Tại cuộc tranh luận ngày hôm qua, hầu như tất cả các ứng cử viên đều cho rằng, Iran sẽ không đầu hàng trước những sức ép của phương Tây.

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 14/6 tới và từ nay tới bầu cử sẽ còn 2 cuộc tranh luận nữa vào ngày 4 và 7/6 về các vấn đề văn hóa và chính trị. Dù chiến dịch tranh cử mới được khởi động, song dư luận lại lo ngại về cuộc bầu cử sắp tới khi mà chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran gây mâu thuẫn lớn giữa nước này với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Cách đây không lâu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho rằng, phương Tây đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Iran bằng cách gia tăng sức ép với quốc gia Hồi giáo. Mới đây nhất, ngày 30/5 vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo nới lỏng lệnh cấm vận đối với người dân Iran, trong khi vẫn duy trì trừng phạt với chính quyền nước này. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran và là ứng viên đảng bảo thủ Saeed Jalili tuyên bố, Iran sẵn sàng đàm phán với phương Tây, song không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân hòa bình của mình.

Ông Jalili nói: “Chúng tôi sẵn sàng xem xét mọi sáng kiến, cũng như nhận thấy tầm quan trọng cảu việc tiếp tục đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại với nhóm P5+1 bất cứ khi nào họ muốn và bất cứ khi nào họ sẵn sàng”.

Do vậy, trước thềm cuộc bỏ phiếu ở Iran, điều mà dư luận trông đợi nhất vẫn là sự hạ nhiệt liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này. Thế nhưng, người ta vẫn chưa thấy hy vọng nào giúp cải thiện được tình hình. Trong một phát biểu hồi tuần trước, Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Thành Cánh Nghiệp kêu gọi các bên giải quyết những nghi ngại thông qua đối thoại, để đảm bảo hòa bình và ổn định tại Iran nói riêng, cũng như khu vực nói chung./.