Hôm qua (6/12), người dân Venezuela đã đi bỏ phiếu để bầu ra 277 thành viên Quốc hội khóa mới. Với cuộc bầu cử lần này, chính phủ và người dân Venezuela hi vọng có thể mở ra một hướng đi mới, thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ và các đảng phái, qua đó đưa đất nước từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong những năm gần đây. Hiện thế giới đã có những phản ứng “trái chiều” về cuộc bầu cử này.
Cuộc bầu cử lần này có khoảng 14.400 ứng cử viên đại diện cho hơn 100 chính đảng đăng ký tranh cử 277 ghế tại Quốc hội. Cơ quan chức năng Venezuela đã huy động hơn 350.000 binh sỹ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Bolivar (GNB-quân cảnh) và cảnh sát tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử lần này.
Phát biểu tại 1 điểm bỏ phiếu, Tổng thống Venezuela kêu gọi người dân đi thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân: “Đi thôi, ngày bầu cử đã đến. Tất cả chúng ta hãy đi bỏ phiếu, không có lý do gì để không đi bỏ phiếu cả. Hôm nay, chúng ta sẽ chọn một Quốc hội mới - một Quốc hội mới sẽ ra đời vào ngày 5/1 một cách hợp hiến, hợp pháp. Chúng ta sẽ làm việc trong một kỷ nguyên mới để khôi phục lại những gì đã bị mất”.
Tổng thống Venezuela cũng kêu gọi phe đối lập từ bỏ con đường chủ nghĩa cực đoan, quay lại tiến trình đối thoại quốc gia. Ông cũng kêu gọi chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và nên gỡ bỏ các lệnh trừng phạt “bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, một bộ phận phe đối lập cứng rắn do ông Juan Guaido đứng đầu đã tuyên bố tẩy chay không tham gia cuộc bầu cử. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều các đảng đối lập khác đã đăng ký tham gia, để quyết tâm ngăn chặn Khối Yêu nước do đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) làm nòng cốt quay trở lại kiểm soát cơ quan lập pháp.
Tối qua (theo giờ địa phương), tức sáng nay (theo giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại Venezuela đã đóng cửa. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE), bà Indira Alfonzo khẳng định, tiến trình bầu cử ở quốc gia Nam Mỹ này đã diễn ra một cách hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Cũng theo bà Alfonzo, những biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt đã được thực hiện ở tất cả các trung tâm bầu cử nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan Covid-19.
Hiện Thế giới cũng đã có phản ứng “trái chiều” về cuộc bầu cử này. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Mỹ và một số nước khác tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử.
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích cuộc bầu cử Quốc hội ở Venezuela là “một hành vi gian lận và một sự giả dối” do Tổng thống Nicolas Maduro sắp đặt.
Phản bác lại tuyên bố đó, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza kêu gọi chính quyền Mỹ cần phải thừa nhận sự thất bại trong chiến lược gây bất ổn tình hình tại Venezuela. Ông Arreaza cho rằng, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cần phải chấp nhận một thực tế về những thất bại rõ ràng trong các kế hoạch can thiệp và phá hoại sự ổn định của Venezuela.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro cũng nhấn mạnh, Venezuela luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới. Vì vậy nước này cũng yêu cầu các quốc ta nên tôn trọng chủ quyền của Venezuela, công nhận kết quả bầu cử.
Về phần mình, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero, người đang có mặt tại Venezuela với tư cách là quan sát viên bầu cử, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải đánh giá lại lập trường của mình về Venezuela và tách khỏi “chính sách hung hãn của Tổng thống Mỹ Donald Trump” đối với quốc gia Nam Mỹ này.
Hôm qua, Đại sứ Nga tại Venezuela Sergei Melik Bagdasarov cũng nhận định: “Tuyên bố của quan chức chính phủ một số nước về việc không công nhận cuộc bầu cử Quốc hội ở Venezuela chỉ cho thấy họ không có khả năng đối mặt với sự thật. Họ có thể nghĩ rằng họ có quyền được coi thường quyền của người khác”.
Cuộc bầu cử lần này là một thách thức vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez xây dựng và vun đắp. Đương kim Tổng thống Maduro mới đây tuyên bố sẽ từ bỏ chức vụ của mình nếu phe đối lập một lần nữa chiến thắng trong cuộc bầy cử này./.