Ngay trước ngày diễn ra cuộc bầu cử quan trọng này, ông Alexandr Shlepak, Bộ trưởng Tài chính Ukraine đã dành cho các phóng viên Việt Nam một cuộc phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử cũng như hướng đi của Ukraine trong tương lai.
PV: Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về tiến trình của cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine trước thời hạn lần này?
Bộ trưởng Shlepak: Cuộc bầu cử Quốc hội tại Ukraine lần này có thể coi là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình chuyển đổi toàn bộ chính quyền Ukraine. Hồi tháng 2 năm nay, sau sự kiện “Maiddan” đã có sự thay đổi rất lớn và đến tháng 6 một Tổng thống mới đã được bầu ra với cuộc bầu cử chỉ qua 1 vòng.
Tiếp đó là ý nguyện của Nhân dân về sự thay đổi cuối cùng, đó là Quốc hội (Verkhovna Rada), bởi Quốc hội cũ đã chọn ra chính quyền cũ mà chính quyền này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với nhiều vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt.
Tôi tin rằng, sau cuộc bầu cử này thì lần đầu tiên trong lịch sử 23 năm độc lập của Ukraine chúng tôi sẽ có một Quốc hội chưa từng có. Quốc hội mới sẽ không như Quốc hội trước đó đã từng bị chia rẽ gần như làm 2 với một nửa thân Nga và một nửa thân châu Âu.
90% Quốc hội mới, tôi tin là sẽ bao gốm phần lớn các chính trị gia đồng lòng ủng hộ tương lai theo châu Âu của chúng tôi. Tại Quốc hội mới số lượng các nhà tài phiệt sẽ ít hơn nhiều.
Thông thường sau các cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine thì sẽ có khoảng từ 20-25% số Nghị sỹ mới song qua các số liệu sơ bộ thì có thể thấy cuộc bầu cử này sẽ ít nhất có 2/3 số Nghị sỹ mới.
Và trong danh sách ứng cử viên của mỗi Đảng có rất nhiều gương mặt hoàn toàn mới, mà phần lớn là người trẻ, được đào tạo tốt ở Ukraine hoặc phương Tây.
Nhưng điều rất quan trọng là họ đều là những người rất năng động. Trong danh sách tranh cử, họ giường như toàn đứng đầu: cả trong Đảng của Tổng thống Poroshenko lẫn Đảng của Thủ tướng Yatsheniuk, cũng như Đảng Samopomich.
Thậm chí ngay cả Đảng "Đất mẹ" (Batkivshina) của bà Yulia Tymoshenko. Những người này không chỉ có học thức và yêu nước, mà đây còn là những người sẵn sàng thay đổi đất nước. Đặc biệt cần lưu ý rằng số người trẻ trong Quốc hội mới sẽ đủ lớn để hình thành lực lượng nòng cốt của đất nước. Chính vì vậy cả đất nước chúng tôi trông đợi một cách tích cực vào cuộc bầu cử này và tin tưởng điều đó sẽ diễn ra.
PV: Vậy ông dự đoán thế nào về kết quả của cuộc bầu cử lần này và kết quả ấy sẽ tác động thế nào đến Quốc hội khóa 8 này của Ukraine?
Bộ trưởng Shlepak: Tôi cho rằng Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng A Yatsenyuk có thể thành lập liên minh cầm quyền. Ngoài ra đây không chỉ là liên minh đa số (gồm ít nhất 226 Nghị sỹ) mà thậm chí còn có thể gồm tới 270-280 Nghị sỹ và chúng tôi còn kỳ vọng liên minh này có thể chiếm tới 2/3 (tức là khoảng 300 Nghị sỹ).
Theo quan điểm của tôi, vấn đề chính trong Quốc hội khóa mới này sẽ là tương quan giữa các lực lượng và nếu như trước đây tương quan lực lượng là giữa các nhóm thân Nga hay thân châu Âu thì tới đây sẽ là sự phân hóa theo chiều hướng cải cách: những người sẵn sàng đưa ra các biện pháp cải cách mang tính quyết định hay không.
Giờ đây sẽ không còn những phái thân Nga hay thân châu Âu nữa mà sẽ là những lực lượng sẵn sàng cải cách hay chống lại cải cách. Đây sẽ là vấn đề chính của Quốc hội mới và tôi tin tưởng rằng, Tổng thống và Thủ tưởng sẽ có thể thành lập phe đa số trong Quốc hội để tiến hành những cải cách quan trọng.
PV: Vậy theo ông, một Chính phủ mới của Ukraine được thành lập sau khi Quốc hội khóa mới được bầu chọn sẽ có chính sách đối ngoại như thế nào?
Bộ trưởng Shlepak: Chính sách đối ngoại của Ukraine sẽ không thay đổi, chúng tôi đã lựa chọn con đường rõ ràng là hội nhập với châu Âu. Chúng tôi đã qua giai đoạn đầu chế độ miễn thị thực, điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu sau năm 2015 và chúng tôi đặt ra mục tiêu là đển ngày 1/1/2016 người dân chúng tôi sẽ được miễn thị thực. Điều này là rất quan trọng khi ở đất nước chúng tôi, tỷ lệ thất nghiệp đang khá cao, theo dự báo có thể lên tới 10%.
Chúng tôi cần thuyết phục EU để người dân Ukraine có thể tới đó làm việc. Bước tiếp theo trong chính sách đối ngoại của chúng tôi là sẽ nhanh chóng thay đổi qui chế không liên minh của Ukraine.
Nghĩa là chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại với tất cả những ai có thể và tôi tin chúng tôi sẽ thành công trong việc buôn bán. Tôi rất hy vọng rằng giai đoạn đối đầu căng thẳng, quan hệ lạnh nhạt về cả chính trị và kinh tế với Nga sẽ chấm dứt.
Có thể nói đường hướng đối ngoại của Ukraine đã được xác định. Trước tiên, chúng tôi sẽ hợp tác với châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình với IMF, chúng tôi cũng có những triển vọng to lớn để hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu... Tất cả vì mục tiêu nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế Ukraine./.