Mặc dù liên minh đa số trong Quốc hội mới đến thời điểm này vẫn là ẩn số, song với liên minh nào thì Chính phủ mới được thành lập sẽ đi theo đường lối hội nhập châu Âu và cải cách là vấn đề quan trọng nhất đối với đất nước Ukraine hiện nay. 

Ngày 26/10, tại Ukraine diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc và chính quyền trung ương mất quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của mình. 

26_10_bo_truong_tai_chinh_shlapak_rgwe.jpgBộ trưởng Tài chính Ukraine Alexandr Shlepak trả lời phỏng vấn về bầu cử Quốc hội Ukraine

Thay vì bầu ra 450 đại biểu theo luật định, cuộc bầu cử này chỉ bầu được 424 đại biểu, do không thể tiến hành bầu 12 đại biểu đại diện cho các khu vực ở Crimea và Sevastopol và không thể tổ chức bầu cử tại 14 trong tổng số 32 điểm bầu cử tại Donbass do khu vực này đang do phe ly khai kiểm soát. Trong đó 250 đại biểu sẽ được bầu theo danh sách đảng và 199 đại biểu được bầu theo danh sách tranh cử tại các khu vực. 

Tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa 8 lần này có 29 chính đảng, tuy nhiên theo các kết quả thăm dò dư luận và ý kiến của giới chuyên gia thì chỉ có từ 5-7 đảng có thể vượt qua ngưỡng 5% phiếu bầu để có chân trong Quốc hội mới. 

Với tương quan lực lượng hiện nay, khối “Poroshenko” của đương kim Tổng thống Ukraine có thể sẽ giành được số phiếu bầu cao nhất, khoảng 30%, song bắt buộc phải liên minh với 1-2 Đảng thắng cử để có thể tạo được liên minh đa số trong Quốc hội và thành lập được Nội các mới. 

Đánh giá về cuộc bầu cử lần này, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. Đại sứ Nguyễn Minh Trí nhận định: “Cuộc bầu cử quốc hội lần này là những bước cực kỳ quan trọng để Ukraine ổn định để tổ chức chính quyền, để khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, chính trị và kinh tế rất trầm trọng và sâu sắc từ cuối năm 2013 đến nay”. 

Cuộc bầu cử lần này được chính quyền Ukraine xác định là một bước đi cần thiết đáp ứng nguyện vọng của người dân về một quốc hội mới, chính quyền mới sau cuộc khủng hoảng từ đầu năm đến nay. Mặc dù liên minh đa số trong Quốc hội mới đến thời điểm này vẫn là ẩn số, song với liên minh nào thì Chính phủ mới được thành lập sẽ đi theo đường lối hội nhập châu Âu với nhiều gương mặt mới và hầu hết đều ủng đường lối cải cách. 

Theo ý kiến của các chính trị gia, đường lối đối ngoại của Ukraine hiện nay đã được xác định và sẽ tiếp tục được thực hiện sau cuộc bầu cử, đó là hội nhập châu Âu và xây dựng quan hệ mới với Nga trên cơ sở bình đẳng hơn. 

Trao đổi với phóng viên VOV, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Alexandr Shlepak cho biết: “Chính sách đối ngoại của Ukraine sẽ không thay đổi, chúng tôi đã lựa chọn con đường rõ ràng là hội nhập với châu Âu. Tiếp theo, chúng tôi sẽ nhanh chóng thay đổi qui chế không liên minh của Ukraine. Chúng tôi sẽ hợp tác và giao thương với tất cả những ai có thể và tôi tin chúng tôi sẽ thành công. Tôi rất hy vọng rằng giai đoạn đối đầu căng thẳng, quan hệ lạnh nhạt về cả chính trị và kinh tế với Nga sẽ chấm dứt”.         

Về đường lối đối ngoại sắp tới và quan hệ giữa Ukraine với Liên bang Nga, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí đánh giá: “Trong tương lai, Ukraine đã, đang và sẽ định hướng hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, giữa Ukraine và Liên bang Nga có cội nguồn lịch sử rất sâu sắc, lợi ích của hai nước, hai quốc gia, hai dân tộc gắn liền từ xa xưa đến bây giờ và không thể xóa bỏ lợi ích của nhau trong một thời gian rất ngắn vì lợi ích hay mục tiêu của bất kỳ đảng phái nào cả”. 

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí đánh giá về đường lối đối ngoại sắp tới của Ukraine với Nga

Theo các chính trị gia, cho dù thế nào thì cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraine lần này cũng sẽ được cả Nga và cả các nước phương Tây công nhận. Tuy nhiên, liệu quốc hội và chính phủ mới được thành lập sau bầu cử lần này có đủ khả năng để giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay của Ukraine hay không vẫn còn là vấn đề lớn chưa thể có được câu trả lời trong thời gian ngắn sắp tới./.