Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không có nhiều cải thiện dưới thời chính quyền Thủ tướng Suga, khi hai nước tiếp tục bất đồng về hàng loạt các vấn đề lịch sử bao gồm lao động thời chiến và tranh chấp chủ quyền tại đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima. Những bất đồng đang cản trở các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương, cũng như khả năng Hàn Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với sự thay đổi lãnh đạo cầm quyền tại Nhật Bản, giới quan sát nhận định không ai trong số 4 ứng cử viên tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) có khả năng sớm “phá băng” quan hệ với Hàn Quốc. Trước hết, lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ dành thời gian ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước như Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế. Hàn Quốc cũng chuẩn bị tổ chức bầu cử Tổng thống nên khó có thể mong đợi bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trong quan hệ song phương trong thời gian gần. 

Giáo sư Koichi Nakano của trường Đại học Sophia, Tokyo nhấn mạnh: “Tôi nghĩ nhiệm vụ khó nhất của lãnh đạo mới ưu tiên đó là cần thúc đẩy kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19 đồng thời. Đây là điều mà các chính phủ tiền nhiệm tại Nhật Bản chưa đạt được”.

Trong mối quan hệ với nước láng giềng quan trọng khác là Trung Quốc, cả hai ứng cử viên nặng ký cho cuộc đua giành chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản là ông Taro Kono và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đều nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Trung Quốc với tư cách là một nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng.

Ông Taro Kano nhấn mạnh: “Về mối quan hệ Trung - Nhật, giao lưu nhân dân là điều quan trọng mặc dù dịch Covid-19 đang khiến mọi thứ đình trệ. Ngoài ra, cần tiếp tục có các cuộc đó thoại Thượng đỉnh thường xuyên để chính phủ hai nước đối thoại và thảo luận”.

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng nhận định: “Khi tôi giữ vị trí Ngoại trưởng, Nhật Bản không tổ chức được các cuộc gặp cấp Ngoại trưởng và Thượng đỉnh với Trung Quốc. Điều đó khiến mối quan hệ Trung - Nhật thời gian đó bị chậm lại. Từ kinh nghiệm đó, tôi nghĩ các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên là cơ bản và nền tảng cho mọi thứ”.

Khẳng định cần đối thoại với Trung Quốc nhưng cả bốn ứng cử viên đều ủng hộ việc duy trì “quan hệ thực tế” chặt chẽ với Đài Loan (Trung Quốc). Điều này có thể là hòn đá tảng ngáng đường cho quan hệ Trung - Nhật trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản cũng có thể ủng hộ mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ và các đối tác châu Á và châu Âu khác, nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Có thể nói chính phủ của Thủ tướng Suga không để lại nhiều dấu ấn đối ngoại như người tiền nhiệm Abe Shinzo do thời gian nắm quyền bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, nhà lãnh đạo mới Nhật Bản được kỳ vọng sẽ định hình vị thế rõ nét hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng được coi là những lợi thế lớn của hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng hiện nay trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại này./.