Thủ tướng Israel Netanyahu đang phải đối mặt với một cuộc chiến “sinh tồn” trong sự nghiệp chính trị khi cuộc bầu cử diễn ra hôm nay (17/9) có nguy cơ chấm dứt 10 năm cầm quyền của ông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: RT. |
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng Xanh và Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu, đang trở thành đối thủ “nặng ký” của Đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu, trong khi đó đảng cánh hữu Yisrael Beiteinu có thể chi phối các cuộc đàm phán thành lập liên minh. Chiến dịch tranh cử của hai đảng chính tại cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 2 của Israel trong 5 tháng qua cho thấy có nhiều bất đồng trong các vấn đề quan trọng: như cuộc đấu tranh chống lại Iran, mối quan hệ với Palestine và Mỹ, cũng như sự ổn định về kinh tế.
Giới quan sát cho rằng, việc chấm dứt kỷ nguyên Netanyahu khó có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Palestine, cũng như khôi phục cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị sụp đổ cách đây 5 năm.
Thủ tướng Netanyahu đã công bố ý định sáp nhập thung lũng Jordan ở khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng đảng Xanh và Trắng cho biết đảng này sẽ tăng cường xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, lấy thung lũng Jordan là “biên giới an ninh phía đông” của Israel.
Việc tổ chức bầu cử lần 2 được kêu gọi sau khi ông Netanyahu thất bại trong việc thành lập liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019. Tại thời điểm đó, Đảng Likud cùng với đảng Xanh và Trắng, mỗi bên giành được 35 trên tổng số 120 ghế tại quốc hội. Ông Netanyahu, 69 tuổi được coi là nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Israel. Ông giữ chức Thủ tướng từ tháng 6/1996 đến tháng 7/1999, và tiếp quản lại vị trí này kể từ tháng 3/2009 tới nay. Lo sợ bị thay thế bởi “các nhân vật cánh tả”, Thủ tướng Israel đã “làm tràn ngập” sóng phát thanh và phương tiện truyền thông với lời kêu gọi trung thành với đảng Likud của ông.
Ông Netanyahu đang ở thế bất lợi
Các địa điểm bầu cử tại Israel mở cửa từ 7h sáng đến 10h tối 17/9 (giờ địa phương), trong khi đó truyền thống sẽ công bố những cuộc thăm dò dư luận đưa ra những dự đoán đầu tiên về kết quả. Cả ông Netanyahu và ông Grants đều cố gắng tiếp sức cho các căn cứ địa của họ và giành phiếu bầu từ những đảng nhỏ hơn. Ông Netanyahu đã công kích đối thủ là người thiếu kinh nghiệm, không có khả năng chiếm được cảm tình và sự tôn trọng từ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới như Tổng thống Mỹ donald Trump. Còn ông Grantz cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang cố gắng làm chệch hướng sự chú ý của dư luận khỏi các cáo buộc tham nhũng đối với ông.
Ông Grantz cũng lo lắng về sự thờ ơ của công chúng đối với cuộc bầu cử lần này. Trả lời phỏng vấn Đài Army Radio, ông Grantz hối thúc người dân hãy “đặt tách cà phê của mình xuống trong một giờ” và đi bỏ phiếu, với hy vọng huy động được các cử tri tầng lớp trung lưu chống lại những người ủng hộ Thủ tướng Netanyahu. Ông Amotz Asa-El, nhà nghiên cứu tại Viện Shalom Hartman của Jerusalem cho biết: “Có một cảm giác mệt mỏi nhất định. Nhiều người Israel đã chán ngấy các chính trị gia hoặc họ kỳ vọng nhiều hơn nữa”.
Trước cuộc bầu cử hồi tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một cú hích dành cho Thủ tướng Netanyahu thông qua việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Lần này, Nhà Trắng dường như bận tâm hơn với sự leo thang căng thẳng với Iran. Lời tuyên bố sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan của Thủ tướng Netanyahu hồi tuần trước ít gợi lên được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sớm công bố kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng kế hoạch này bị phía Palestine phản đối với lý do thiên vị.
Bên cạnh đó, sự ra đi của Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton, quan chức “diều hâu” giữ lập trường cứng rắn với Iran, cũng là một mất mát đối với ông Netanyahu. Việc ông Bolton rời Nhà Trắng có thể cho thấy chính quyền Trump đang có lập trường mềm mỏng hơn với Tehran và đây là tin xấu cho Thủ tướng Netanyahu. Một giờ sau khi Thủ tướng Netanyahu tiết lộ đã phát hiện ra cơ sở hạt nhân bí mật mới của Iran tối 16/9, ông Trump nói rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Những diễn biến này cho thấy, nhà lãnh đạo Mỹ dường như không còn “kề vai sát cánh” với Thủ tướng Netanyahu.
Tuy vậy, việc ông Netanyahu thể hiện sự cởi mở với Washington và nhiều quốc gia khác trên thế giới vào thời điểm dễ bùng phát căng thẳng tại khu vực biên giới của Israel với Syria, Gaza và Lebanon, vẫn tạo lợi thế cho ông. Alon Gal, một giám đốc quản lý công nghệ tại Israel cho biết ông đang có kế hoạch bỏ phiếu cho đảng Likud: “Không có ai khác xứng đáng trở thành Thủ tướng như ông Netanyahu, với ông ấy, ít nhất tôi biết rằng tôi đang làm việc với ai”.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng Yisrael Beiteinu có thể nắm giữ chìa khóa trong cuộc đàm phán thành lập liên minh tiếp theo vì dự đoán đảng này có thể giành được thêm gấp đôi số ghế tại Quốc hội./.
Bầu cử Israel: Cuộc chiến sống còn cho sự nghiệp của ông Netanyahu
Bầu cử Israel: Số phận Thủ tướng Netanyahu và tương lai Trung Đông