Một bức tranh chính trị mới đang dần hình thành tại Iran. Những đồng minh theo đường lối cải cách và ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani đang chiếm ưu thế trước phe bảo thủ trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 26/2 tại nước này.

Dù chưa lực lượng nào giành thế đa số rõ ràng, song có thể nói cuộc bầu cử lần này là một bước ngoặt lớn trong lịch sử chính trị của Iran khi đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ nhất của các lực lượng cải cách tại Quốc hội kể từ năm 2004.

iran_bo_phieu_bwwk.jpg
Cử tri Iran tham gia cuộc bỏ phiếu hôm 26/2. (Ảnh: AP)

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố hôm qua (28/2), những ứng cử viên theo đường lối cải cách và ôn hòa đã giành được 89 trên tổng số 290 ghế tại Quốc hội, trong khi các Đảng bảo thủ là 86 ghế.

Dù không phải là kết quả cuối cùng (dự kiến công bố muộn nhất là vào ngày mai), song đây cũng được xem là một thắng lợi vang dội của Tổng thống Rouhani khi các đồng minh của ông đã giành được số ghế nhiều hơn gấp 3 lần so với Quốc hội sắp mãn nhiệm ( hiện là 30 ghế so với khoảng 200 ghế của phe bảo thủ).

Đặc biệt là tại thủ đô Tehran, phe cải cách và ôn hòa đã giành được toàn bộ 30 ghế mà trước đây phần lớn nằm trong tay các Đảng đối lập. Có thể nói cuộc bầu cử Quốc hội lần này đã đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ nhất của các lực lượng cấp tiến tại Quốc hội kể từ năm 2004.

Theo các nhà phân tích, kết quả này có được phần nhiều nhờ vào Thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7/2015 giữa Iran và các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Có hiệu lực từ giữa tháng 1 vừa qua, Thỏa thuận này đã giúp Iran thoát khỏi phần lớn các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế đất nước. Điều này đã giúp gia tăng lợi thế, cũng như sự ủng hộ chính trị đối với Tổng thống Rouhani trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này khi giải tỏa được những lo toan của người dân Iran trong suốt hơn 1 thập kỷ qua trong khi nhiều nhân vật thuộc phe bảo thủ lại nằm trong số những người phản đối mạnh mẽ Thỏa thuận hạt nhân này.

Ông Rouhani đang có kế hoạch triển khai một loạt những cải cách kinh tế và xã hội trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm vào năm 2017 và người dân Iran đang rất kỳ vọng vào những kế hoạch này.

Một người dân Iran chia sẻ: “Chúng tôi bỏ phiếu để thể hiện sự ủng hộ với Chính phủ. Họ đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế cho Iran. Chúng ta cần phải thay đổi, cần phải có một Quốc hội luôn ủng hộ Chính phủ”.

Một kết quả hài lòng nữa đối với Tổng thống Rouhani trong cuộc bầu cử lần này đó là việc ông và đồng minh quan trọng của mình, cựu Tổng thống Akbar Hachemi Rafsandjani đều được bầu vào Hội đồng chuyên gia. Cuộc bỏ phiếu về đổi mới nhân sự của cơ quan này được tiến hành cùng thời điểm với cuộc bầu cử Quốc hội hôm 26/2 vừa qua. Tỷ lệ cử tri tham gia cả hai cuộc bỏ phiếu này đều đạt khoảng 60%.

Hội đồng chuyên gia, gồm 88 thành viên với nhiệm kỳ 8 năm là một trong các Hội đồng quyền lực chi phối việc điều hành đất nước của Tổng thống và Chính phủ Iran. Cơ quan này là “trụ cột” trong hệ thống chính trị Iran, nó có trọng trách giám sát mọi hoạt động của lãnh tụ tối cao, có quyền “cách chức” hoặc “bổ nhiệm” lãnh tụ tối cao.

Vì thế có thể nói việc có mặt trong Hội đồng chuyên gia sẽ đóng vai trò quyết định đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Rouhani, khi thủ lĩnh tinh thần tối cao hiện nay của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã 76 tuổi.

Phát biểu trên truyền hình, Đại giáo chủ Khamenei cho rằng, sự tiến bộ của đất nước là mục tiêu chính và Quốc hội khóa mới sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo những bước tiến hình thức không đảm bảo nền độc lập và toàn vẹn quốc gia.

Trong khi đó, trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Rouhani khẳng định, các cử tri đã tạo ra một bầu không khí mới tại Iran, hay nói các khác là đã thổi một luồng gió mới vào bầu không khí chính trị, kinh tế, xã hội tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Bởi đây là cơ hội để mở ra một chương mới trong quá trình phát triển kinh tế của Iran dựa vào những nguồn lực nội tại và các cơ hội quốc tế./.