Hôm nay (11/4), hàng trăm triệu cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu, chính thức khởi động tiến trình bầu cử Hạ viện khóa 17 nhiệm kỳ 2019-2024. Cuộc bầu cử năm nay được tiến hành theo 7 giai đoạn từ nay tới ngày 19/5, được mô tả là “sự kiện bầu cử lớn nhất hành tinh”, “đợt thực hành dân chủ lớn nhất thế giới”, vốn sẽ quyết định số phận của gần 10.000 ứng cử viên đại diện cho trên 500 đảng phái chạy đua vào 545 ghế tại Hạ viện.

modi_pxgf.jpg
Ông Modi. Ảnh: Livemint.

Để bầu cử diễn ra suôn sẻ, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ đã thiết lập hơn 1 triệu điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để phục vụ khoảng 900 triệu công dân đủ tư cách bầu cử. Trong số này, khoảng 130 triệu cử tri đủ tuổi đi bầu cử lần đầu. Hiện, Ấn Độ đã sử dụng thiết bị bỏ phiếu điện tử cho tất cả các cuộc bầu cử lập pháp từ trung ương xuống địa phương.

Khoảng 1,1 triệu máy bầu cử đã được chuẩn bị và nhà chức trách cũng huy động khoảng 2 triệu cảnh sát để đảm bảo an ninh.

Ông Ramesh Kumar, giới chức hành chính địa phương bang Jammu cho biết: "Chúng tôi đã hoàn tất các bước chuẩn bị. Chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt an ninh và cơ sở vật chất tại các điểm bỏ phiếu. Về mặt luật pháp và trật tự, nhân viên an ninh thuộc Lực lượng Cảnh sát Dự bị trung ương Ấn Độ (CRPF) cùng với cảnh sát Jammu và Kashmir đã được triển khai nhận nhiệm vụ. Chúng tôi mong muốn tổ chức một cuộc bầu cử tự do và không còn gì đáng lo ngại.”

Mặc dù bỏ ra chi phí khổng lồ cho sự kiện dân chủ được tổ chức 5 năm một lần này, nhưng việc cử tri có tham dự đầy đủ hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi trong nhiều cuộc bỏ phiếu trước đó, không ít các cử tri Ấn Độ tự từ bỏ quyền và trách nhiệm của mình trong việc quyết đến vận mệnh tương lai đất nước. Kỳ bầu cử năm 2014 đã ghi nhận tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1952, nhưng cũng chỉ đạt 66,4%.

Ông Sunil Arora, thành viên ủy ban bầu cử cho biết: "Đó là một lời kêu gọi đầy nhiệt thành từ tất cả các thành viên trong ủy ban bầu cử rằng việc ngày càng nhiều người có ý định tham gia bỏ phiếu thì càng chứng tỏ nền tảng của dân chủ càng trở nên mạnh mẽ hơn."

Hiện khó có thể dự đoán kết quả bầu cử công bố vào cuối tháng 5 tới sẽ trao cho đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi thêm một nhiệm kỳ 5 năm, hay giúp sự lên ngôi trở lại của đảng Quốc đại (INC) đối lập từng nắm quyền ở Ấn Độ trong nhiều thập niên sau độc lập.

Song một điều chắc chắn, đây sẽ một cuộc chạy đua đầy khốc liệt giữa các liên minh, chính đảng. Theo giới quan sát, mặc dù Thủ tướng đương nhiệm Modi đang sử dụng cuộc xung đột biên giới với Pakistan tại Kashmir gần đây để ghi điểm trong cuộc bầu cử và thực tế ông vẫn đang được coi là ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế Thủ tướng nhiệm kỳ tới, song cuộc bầu cử lần này vẫn là thách thức lớn, “thước đo tín nhiệm” đối với ông Modi. Bởi lẽ, vị Thủ tướng đương nhiệm này đang phải hứng chịu áp lực trước hàng loạt vấn đề hóc búa từ biên giới phía Bắc đến một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ, tình trạng thất nghiệp gia tăng lên mức cao kỷ lục trong 45 năm qua, kinh tế tăng trưởng chậm lại, chưa kể việc một bộ phận cử tri bắt đầu đặt dấu hỏi về những cam kết còn dang dở trong chiến dịch tranh cử của ông Modi 5 năm trước.

Hiện xuất hiện nhiều dự đoán xoay quanh cuộc bầu cử lần này, song đây là cuộc bầu cử kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn, nên kết quả lựa chọn của các cử tri sẽ chỉ được xác định sau 1 tháng rưỡi nữa./.