Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những nỗ lực thành lập "khu vực an toàn" của nước này và Mỹ ở đông bắc Syria không đem lại những kết quả như mong muốn, đồng thời khẳng định Ankara sẵn sàng hành động độc lập, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định ngày 3/10.

thonhiky_giuy.jpg

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters

Ankara và Washington đã nhất trí thành lập một khu vực ở biên giới Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn lực lượng dân quân người Kurd YPG phải rút vào sâu bên trong lãnh thổ Syria 30km.

Ankara từ lâu đã coi lực lượng người Kurd ở Syria là một tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Mỹ - từng hỗ trợ lực lượng YPG nhằm đánh bại IS ở Syria rằng Washington đang hành động quá chậm chạp để thành lập khu vực này. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất đồng trong việc nên mở rộng khu vực này tới đâu và nên do lực lượng nào kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar sau đó đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Mark Esper trong một cuộc điện đàm rằng Ankara sẽ dừng hợp tác với Mỹ trong việc thiết lập "khu vực an toàn" nếu Washington vẫn không có tiến triển gì trong vấn đề này.

"Tiếp tục duy trì các cuộc trao đổi, mong muốn giải quyết vấn đề này một cách hòa bình không nên bị coi là sự yếu đuối. Khẳng định rằng kế hoạch của chúng tôi đã sẵn sàng nếu cần thiết không nên bị coi là một mối đe dọa", ông Akar khẳng định trong cuộc điện đàm.

"Nếu vẫn tiếp tục đình trệ hay trì hoãn, chúng tôi nhất định sẽ chấm dứt sự hợp tác này", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.

Ankara cho biết muốn thiết lập một khu tỵ nạn với 2 triệu người Syria trong khu vực này và nhiều lần cảnh báo về hành động quân sự đơn phương nếu không hài lòng về tiến trình với Mỹ.

Ngày 1/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng khẳng định Ankara không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động độc lập do việc hợp tác với Mỹ không có nhiều tiến triển.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nhìn thấy sự chân thành từ phía Mỹ.

"Chúng tôi nghĩ tiến trình đang diễn ra với Mỹ không khiến chúng tôi thu được kết quả như mong muốn. Thông tin từ thực địa đã chứng minh điều này. Chúng tôi phải hành động để quét sạch các tổ chức khủng bố ở các vùng lân cận của chúng tôi và đưa người tị nạn trở về đây".

Hai nước đồng minh NATO này cũng căng thẳng về nhiều vấn đề từ chính sách Syria cho tới việc Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định của Ankara khi mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Mặc dù các nhà quan sát và các nhà ngoại giao cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dại gì “chọc giận” Mỹ bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn khi hai đồng minh này đang nỗ lực khắc phục mối quan hệ, song Ankara luôn nhấn mạnh rằng nước này luôn sẵn sàng hành động độc lập.

Cho tới nay, quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một số cuộc tuần tra trên không tại khu vực ở đông bắc Syria và 2 cuộc tuần tra trên mặt đất. Dù vậy, Washington vẫn luôn cảnh báo rằng hành động đơn phương sẽ không đem đến bất kỳ lợi ích hay sự đảm bảo về an ninh nào cho Ankara./.