Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh đối Federica Mogherini đã bày tỏ mong muốn khối này sẵn sàng gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 7 tới.

Tuy nhiên, nội bộ các nước trong khối vẫn còn nhiều chia rẽ trong chính sách gia tăng sức ép với Nga, đặc biệt sau những tổn thất lớn do các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và Liên minh châu Âu gây ra thời gian qua. 

eu_parliament_banner1_470x260_iayb.jpg
Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp và đưa ra quyết định có gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga hay không vào cuối tháng 6 tới. (ảnh:atom-ecology.russgeorge.net).

Đại diện cấp cao EU Mogherini cho biết, các nước EU đang xem xét việc dỡ bỏ biện pháp trừng phạt vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, theo đó yêu cầu các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, những yêu cầu trên chưa đạt được. Vì vậy, bà Mogherini bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt liên quan đến quốc phòng, năng lượng và tài chính nhằm vào Nga sẽ được gia hạn.

Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định có gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga hay không vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, khả năng để đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này sẽ đối mặt với không ít thách thức, trong bối cảnh các nước thành viên của khối chia rẽ về các biện pháp chống Nga.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga bắt đầu được áp dụng ngày 31/7/2014 và đã hai lần được gia hạn đến ngày 31/7 tới sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crime. Các lệnh trừng phạt khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng, với việc Nga đưa ra hàng loạt các biện pháp trả đũa.  

Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất to lớn. Chính vì vậy, những chính sách liên quan đến Nga đang gây chia rẽ lớn trong khối 28 nước thành viên EU. Anh, Thụy Điển, Ba Lan và các nước Baltic luôn kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.  

Trong khi đó, Italy, Hi Lạp, Cộng hòa Síp , Hungary và Bungary là những quốc gia thành viên rất thận trọng trong việc mở rộng các biện pháp trừng phạt. Hạ viện Pháp ngày 28/4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này không ủng hộ việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Một số quốc gia trong khối cũng kêu gọi đối thoại với Nga thay vì gia tăng sức ép lẫn nhau.

Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng ta cần có lập trường rõ ràng với Nga nhưng cũng cần đối thoại với Nga. Theo quan điểm của tôi điều quan trọng là chúng ta cần phải đề cập rõ ràng với Nga dừng các hành động khiến tình hình Ukraine căng thẳng. Tuy nhiên để đạt được điều này chúng ta cũng cần đối thoại”.

Theo giới ngoại giao, có sự thay đổi lập trường lớn của Thủ tướng Italy Matteo Renzi- người có tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italy và Mỹ gần đây, ông Renzi có vẻ nới lỏng lập trường về vấn đề này. Theo một quan chức Đức, Thủ tướng Renzi có thể sẽ không phải là một rào cản lớn trong các cuộc tranh luận về trừng phạt nhằm vào Nga như trước.

Slovakia, Hungary và Hy Lạp muốn có mối quan hệ thương mại với Nga, nhưng có thể sẽ không phản đối gia hạn trừng phạt. Tuy nhiên, các nước EU hiện cũng phải cân nhắc đến khả năng những lệnh trừng phạt này sẽ làm trệch hướng con đường hòa bình mà các bên đang đạt được tại Ukraine gần đây.  

Cao ủy Liên minh châu Âu Mogherini cũng phải thừa nhận, có những quan điểm khác nhau về các yếu tố trong chính sách trừng phạt nhằm vào Nga. Chính phủ các nước EU nên có đánh giá chính trị về mức độ thực hiện thỏa thuận và làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine .

Chính vì vậy, viễn cảnh được các nhà ngoại giao đánh giá tốt nhất hiện nay đó là vẫn gia hạn các biện pháp trừng  phạt nhằm vào Nga , nhưng chỉ trong ngắn hạn là 3 hay 6 tháng. Điều đó có nghĩa là EU vẫn gây sức ép lên Nga nhưng cũng không làm nóng các cuộc thảo luận của khối về vấn đề này cũng như gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ với Nga./.