Bão nhiệt đới Seroja đã gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia từ hôm Chủ Nhật (4/4). Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết, tính đến hết ngày 7/4, có 138 người đã thiệt mạng, 61 người vẫn đang mất tích và hơn 2.000 người phải đi sơ tán.

Việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở một số khu vực vẫn bị hạn chế do khó đưa thiết bị hạng nặng vào tìm kiếm. Thời tiết xấu, mưa lớn vẫn diễn ra cản trợ công tác cứu hộ.

Nhiều khu vực hiện nay đang bị cô lập và gặp sự cố về mạng lưới liên lạc. Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia đã đưa 4 máy bay trực thăng để tiếp cận các khu vực bị cô lập để tiếp tế cho người dân vùng lũ.

Người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, bà Dwikorita Karnawati cho biết có thể thời tiết ở Nusa Tenggara sẽ cải thiện sau sự di chuyển của bão nhiệt đới Seroja đến Ấn Độ Dương ở phía tây Australia vào thứ Tư (7/4). Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự báo, một số khu vực ở Indonesia có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to kèm theo sấm sét và gió mạnh.

Sau một loạt thiên tai ập đến Indonesia từ đầu năm đến nay, hàng ngàn người dân đã ký một bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Kiến nghị được đưa ra khi thảm họa lũ lụt và sạt lở đất diễn ra tại miền Đông Indonesia trong 3 ngày qua khiến hàng trăm người tử vong và mất tích.

Hơn 180 người và tổ chức là thành viên của phong trào “Ngừng thảm họa” (StopBencana) đã khởi xướng kiến nghị này. Đại diện người kiến nghị từ tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace), ông Adila cho biết, người dân muốn đòi hỏi sự cam kết của lãnh đạo với môi trường.

Trích dẫn nội dung của bản kiến ​​nghị với gần 10.000 chữ ký, những người khởi xướng kêu gọi Tổng thống Joko Widodo chỉ thị bãi bỏ các chính sách gây tổn hại đến môi trường, xây dựng các chính sách chiến lược để cứu môi trường, thành lập một nhóm đặc biệt để đối phó với khủng hoảng khí hậu. Theo ông Adila, tình trạng khẩn cấp về khí hậu cần được ban bố để phản ánh về một loạt các thảm họa thiên nhiên trong vài năm qua tại Indonesia, chủ yếu là các thảm họa khí tượng thủy văn do thời tiết cựu đoan và biến đổi khí hậu gây ra.

Từ đầu năm đến nay, hai thảm họa lũ lụt ở Đông Nusa Tenggara và Nam Kalimantan của Indonesia đã cướp đi nhiều sinh mạng đều xảy ra do khủng hoảng khí hậu. Số liệu từ cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết, khoảng 99% thảm họa trong suốt năm 2020 là thảm họa khí tượng thủy văn./.