Theo Newsweek, hơn 1000 binh lính Triều Tiên được huy động đến bãi thử hạt nhân để đào hầm và do thám khu vực xung quanh. Thông tin binh lính Triều Tiên phải điều trị phơi nhiễm phóng xạ được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản cho biết khoảng 200 người chết trong vụ sập hầm tại bãi thử hạt nhân vào tháng 10/2017.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

082137-1.jpg

 Bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: NK News)

Sau hàng loạt trận động đất nhỏ và sạt lở ở khu vực gần bãi thử hạt nhân, phía Nam núi Mantapsan của Triều Tiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khu vực này đã trở nên quá bất ổn để có thể thực hiện thêm bất cứ thử nghiệm hạt nhân nào. Các nhà địa chất Trung Quốc cũng cảnh báo một thử nghiệm nữa có thể gây sạt lở nghiêm trọng và rò rỉ chất phóng xạ.

Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu về Triều Tiên của trang 38 North, các nhà khoa học Triều Tiên dường như không từ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân này. Thay vào đó, họ cố gắng xây dựng những đường hầm mới dưới lòng đất và chuyển khu vực thử sang một phần khác của ngọn núi.

Những lo ngại xung quanh nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Triều Tiên tiếp tục gia tăng tại Nhật Bản, nơi đã phải chịu đựng hậu quả nghiêm trọng của bom hạt nhân từ Thế chiến II và từ thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011. 

Theo Asahi, Viện Khoa học Đại dương và Công nghệ Hàn Quốc (KIOST) ước tính khả năng rò rỉ các vật liệu phóng xạ và nhận định những điều kiện khí tượng vào thời điểm Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân có thể khiến các vật liệu phóng xạ lan tỏa vào không khí, trôi về phía Đông Bắc. Như vậy một vùng rộng lớn các khu vực phía trên nước Nga, quần đảo Kuril và đảo Hokkaido phía Bắc Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng.

Các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không phát hiện dấu hiệu bất thường nào trong mức độ phóng xạ vào thời điểm sau khi thử nghiệm diễn ra.

Nhưng chuyên gia vũ khí hạt nhân Trung Quốc là Wei Shijie cho biết, rò rỉ hạt nhân là không thể tránh khỏi: "Để phát hiện được nó chỉ là vấn đề thời gian, vì có những vết nứt trên các ngọn núi nơi chất phóng xạ sẽ rò rỉ".

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) bác bỏ thông tin sập hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri truyền hình Nhật Bản đăng tải trước đó.

KCNA đăng tải: “TV Asahi đưa tin về vụ sập hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, khiến nhiều người thiệt mạng, đây là một bài báo dối trá cho rằng nguyên nhân của vụ sập hầm được cho là do thử nghiệm hạt nhân". Ngoài ra, KCNA cũng quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng Nhật Bản khi cho phép Asahi đăng tải thông tin giả mạo về vụ sập hầm này./.