Trong tuyên bố ngày 26/11, Thống đốc bang New York, Kathy Hochul cho biết mặc dù chưa được phát hiện ở New York, biến chủng Omicro sẽ tới và bang này đã hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép giới chức bang New York nhanh chóng huy động được các nguồn lực cần thiết để ứng phó với dịch bệnh. Động thái này cũng cho phép sở Y tế bang giới hạn các hoạt động không thiết yếu hoặc khẩn cấp tại các bệnh viện hoặc hệ thống y tế với năng lực hạn chế nhằm tập trung tối đa cho việc chữa trị bệnh nhân Covid-19. Tình trạng khẩn cấp ở bang New York sẽ có hiệu lực từ ngày 03/12 và sẽ được đánh giá lại ngày 15/01/2022 dựa trên các dữ liệu mới nhất về Covid-19.

Tuyên bố của Thống đốc bang New York được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế thế giới gọi Omicro là một biến chủng đáng quan ngại. New York từng là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ khi có thành phố New York là một trung tâm du lịch quốc tế lớn và Omicro cũng có thể là một mối đe dọa tiềm tàng. Biến chủng này được cho là lây lan và kháng vaccine mạnh hơn các biến chủng được biết đến trước đây bao gồm cả Delta.

Tiến sỹ Eric Feigl Ding, một chuyên gia dịch tễ tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết biến chủng Omicro có khả năng lây nhiễm cao hơn 500 lần so với biến chủng Delta. Các biến thể của chủng virus mới này đã khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng kháng thể do vaccine hoặc cơ thể tạo ra sau khi lây nhiễm có thể sẽ không còn tác dụng đối với Omicro. Do đó, các nhà khoa học đang nhanh chóng tìm cách xác định liệu các loại vaccine hiện hành có tác dụng đối với biến chủng Omicro hay không.

BioNTech, công ty công nghệ sinh học Đức vốn cùng với Pfizer phát triển vaccine ngừa Covid-19 cho biết sẽ cần tới 2 tuần để xác định xem liệu biến thể mới có kháng vaccine hay không. AstraZeneca và Johnson&Johnson đều đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả các loại vaccine của mình đối với biến chủng mới này.

Ngày 26/11, trong nỗ lực phòng ngừa biến thể này có thể lan tới Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh hạn chế đi lại bằng đường hàng không từ Nam Phi và bảy nước khác ở châu Phi bao gồm Boswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Những hạn chế mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 29 tháng 11. Một loạt các quốc gia khác bao gồm Anh, Brazil, Singapore, Nhật Bản và Israel cũng đã áp dụng hạn chế đi lại đối với một số nước ở miền Nam châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến khích các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách thức Omicro có thể ảnh hưởng tới xét nghiệm Covid-19, các triệu chứng mới và các biện pháp điều trị nhằm ứng phó với dịch bệnh./.