Các nguồn tin báo chí Ai Cập đêm 5/9 dẫn lời một số chuyên gia an ninh nước này cho rằng, Tổ chức Anh em Hồi giáo, Mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Phong trào Hamas có thể đứng sau vụ ám sát bất thành nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim trưa 5/9.

Vụ tấn công làm 22 người bị thương, trong đó có 1 trẻ em, một người Anh và một người Sudan , phá hủy 4 xe ô tô và gây hư hại nặng cho một số cửa hàng gần hiện trường vụ tấn công. 

hien%20truong%20am%20sat%20noi%20vu%20ai%20cap.jpg
Hiện trường vụ tấn công ám sát (ảnh: AFP)

Tướng Khaled Matawa, một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực an ninh của Ai Cập cho biết, những phân tích ban đầu cho thấy, vụ ám sát có thể là hành động nhằm trả đũa việc các thủ lĩnh, lãnh đạo các nhóm vũ trang và tổ chức khủng bố bị bắt giữ.

Tuy nhiên, không phải tổ chức vũ trang nào cũng có thể tiến hành một cuộc tấn công bằng thuốc nổ được điều khiển từ xa thuần thục như vụ tấn công hôm qua. Bởi vậy, nhiều khả năng vụ tấn công là do một tổ chức có nhiều kinh nghiệm và chuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng thuốc nổ được điều khiển từ xa.

Trên cơ sở so sánh cách thức tiến hành vụ tấn công và năng lực thực hiện, Tướng Matawa cho rằng, vụ ám sát nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập hôm qua có thể do mạng lưới al-Qaeda hoặc phong trào Hamas thực hiện, hoặc là sản phẩm kết hợp của hai tổ chức này.

Với quan điểm tương tự, Tướng Mohamed Mujahed, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia về Trung Đông khẳng định, có sự liên hệ mật thiết giữa vụ ám sát Bộ trưởng Nội vụ hôm qua với các diễn biến mới đây tại bán đảo Sinai, đặc biệt là việc triệt phá các tuyến đường buôn lậu từ Sinai vào dải Gaza.

Trong khi đó, Tướng Mohamed El Ghabary, cựu Giám đốc Đại học Quốc phòng, lại nghi ngờ Tổ chức Anh em Hồi giáo đứng sau vụ ám sát Bộ trưởng Nội vụ Ibrahim.

Theo tướng Ghabary, vụ ám sát do một tổ chức "Thánh chiến" thực hiện, nhằm "khỏa lấp" thất bại của Tổ chức Anh em trong việc huy động người dân xuống đường biểu tình để giành lại Chính quyền. Chi tiết hơn, Tướng Ghabary khẳng định, có sự gắn kết chặt chẽ giữa vụ tấn công với giới lãnh đạo các nhóm Hồi giáo và tổ chức thánh chiến, đặc biệt là một số lãnh đạo của Tổ chức Anh em Hồi giáo đang bỏ trốn như Esam Abdu El Maged và Safwat Abdu El Ghani Sheikhy.   

Trên cơ sở các đánh giá của mình, Tướng Ghabary cảnh báo, vụ tấn công nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ hôm qua mới chỉ là một sự bắt đầu. Các lực lượng an ninh Ai Cập cần xây dựng một kế hoạch dài hạn để đối phó với các mối đe dọa tương tự trong tương lai./.