Trong một tuyên bố chung được công bố mới đây, Ngoại trưởng Ba Lan và Ukraine cảnh báo rằng, quyết định này tạo ra một mối đe dọa chính trị, quân sự và năng lượng đối với các quốc gia Trung Âu, đồng thời làm gia tăng nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh ở khu vực này và kéo dài sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu.

Lý giải cho động thái này, giới chuyên gia cho rằng với một đường ống thay thế, Nga có thể gây thêm áp lực quân sự và chính trị lên Ukraine mà không gây nguy hiểm cho vấn đề thương mại, khí đốt với EU. Ukraine cũng có thể mất hàng tỷ USD phí vận chuyển khí đốt mỗi năm.

Trước đó, sau nhiều năm phản đối dự án này, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ không muốn có thêm rạn nứt mối quan hệ với Đức vào thời điểm mà Tổng thống Joe  Biden đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu.

Thỏa hiệp giữa Washington và Berlin đồng nghĩa với việc Nga sẽ có nguy cơ bị trừng phạt nếu nước này sử dụng đường ống này cho các hoạt động gây hấn với Ukraine. Mỹ và Đức cũng sẽ thành lập Quỹ Năng lượng Xanh cho Ukraine, với các khoản đầu tư có giá trị ít nhất 1 tỷ USD, bao gồm khoản tài trợ ban đầu trị giá 175 triệu USD từ Đức cùng các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các ngoại trưởng Ukraine và Ba Lan cho rằng các đề xuất hiện tại nhằm giảm thiểu thâm hụt an ninh do đường ống gây ra không đủ hạn chế các mối đe dọa do “Nord Stream 2 - Dòng chảy phương Bắc 2” gây ra, đồng thời kêu gọi Đức và Mỹ giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng an ninh trong khu vực. Các nhà ngoại giao cam kết sẽ phản đối dự án này cho đến khi có các giải pháp phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh mà nó có thể tạo ra và giảm thiểu các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh năng lượng trong khu vực.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức-Nga là một trong những dự án năng lượng gây tranh cãi nhất trong lịch sử châu Âu. Bên phản đối cho rằng đường ống này sẽ khiến châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong khi những người ủng hộ bao gồm cả Đức, gọi đường ống dẫn khí đốt là cần thiết cho nhu cầu năng lượng của châu Âu hiện nay./.