Theo đó, chiếc máy bay đã bị vỡ thành nhiều mảnh trước khi tiếp đất, và kết quả này khác với những gì được công bố trước đó.
Cách đây đúng 7 năm ngày 10/4/2010 chiếc Tupolev Tu-154M của lực lượng không quân Ba Lan chở Tổng thống Lech Kaczyncki và 95 người khác, trong đó có nhiều quan chức cao cấp chính phủ và quân đội, đã bị rơi khi đang tìm cách hạ cánh xuống sân bay quân sự Smolensk của Nga. Toàn bộ 96 người trên boong đều thiệt mạng.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Tu-154 tại Smolensk (Nga) vào năm 2010, khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và toàn bộ 95 người khác trên khoang thiệt mạng. (Ảnh: NBC). |
Kết quả điều tra phía Ba Lan lúc đó cho rằng vụ tai nạn một phần là do lỗi của viên phi công cố hạ cánh trong tình trạng sương mù dày đặc, và một phần do lỗi của nhân viên đài kiểm soát không lưu của Nga. Còn phía Nga cho rằng sai lầm của phi công là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc nói trên.
Sau khi lên nắm chính quyền tháng 10 năm 2015, chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý Ba Lan (PiS) mong muốn tìm ra nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn. Ủy ban điều tra mới được thành lập đã nghiên cứu đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa viên phi công với nhân viên đài kiểm soát không lưu của Nga và kết luận con người không phải là nhân tố chính gây ra vụ tai nạn nói trên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw ngày 10/4, đại diện của Ủy ban điều tra mới của Ba Lan cho biết đã có một vụ nổ xảy ra trên boong làm chiếc Tupolev bị vỡ vụn thành nhiều mảnh trên không trung trước khi viên phi công cố gắng tiếp đất.
Ông loại bỏ khả năng cánh chiếc máy bay va quệt với tán cây bạch dương, gây ra vụ tai nạn trên đường hạ cánh như các kết quả điều tra được công bố trước đó. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận không rõ nguyên nhân chính xác gây ra vụ rơi máy bay nói trên.
Vụ rơi máy bay của Ba Lan tại Smolensk của Nga là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự băng giá trong quan hệ giữa hai nước. Cho tới thời điểm này, Nga từ chối cung cấp xác chiếc máy bay cho phía Ba Lan theo đề nghị của Warsaw với lý do các cuộc điều tra vẫn đang được phía Nga tiếp tục tiến hành.
Cùng ngày các nhà lãnh đạo Ba Lan, trong đó có Tổng thống Andrzej Duda, Thủ tướng Beata Szydlo và nhiều quan chức quốc hội, chính phủ đã tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay rơi thảm khốc tại Nga cách đây 7 năm. Các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân cũng đã diễn ra tại các nghĩa trang quân sự và nhà thờ trên khắp Ba Lan./.