Người phát ngôn của chính phủ Piotr Mueller cho biết, Ba Lan sẽ áp đặt các hình phạt tài chính đối với bất kỳ tổ chức tư nhân nào nhập khẩu than của Nga vào Ba Lan. Ông nói thêm rằng Ba Lan không thể chờ đợi phản ứng của cả Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia về vấn đề này.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ, EU và một số nước khác đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Từ trước đến nay, châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chủ yếu là dầu và khí đốt, và vẫn gặp khó khăn trong việc loại bỏ nguồn cung từ Moscow.

Ba Lan trong những năm gần đây đã nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng các nguồn năng lượng của Nga và sẽ sớm không phải phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Trong khi Ba Lan phần lớn tự sản xuất than, nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo Piotr Lewandowski, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kết cấu ở Warsaw, than đá của Nga chiếm 13% lượng nhiên liệu được sử dụng mỗi năm ở Ba Lan. Một nửa trong số đó được sử dụng để sưởi ấm trong nhà riêng và phần còn lại để sưởi ấm trong khu vực hoặc dành cho công nghiệp.

“Đó là lý do tại sao việc cấm nhập khẩu than vào cuối tháng 3 lại dễ dàng hơn nhiều so với vào tháng 10. Câu hỏi bây giờ là nên chuẩn bị như thế nào cho mùa đông tiếp theo”, ông Lewandowski nói.

Ba Lan có thể lựa chọn mua than từ các nguồn khác, nhưng giá cả sẽ cao hơn.

Các công ty khai thác than ở Ba Lan sẽ hoan nghênh động thái này vì họ cảm thấy việc nhập khẩu than từ Nga và các quốc gia khác sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp than vốn đang suy giảm.

Nhiều chính trị gia Ba Lan cho rằng việc tiếp tục nhập khẩu than của Nga là sai lầm, trong khi Ba Lan chỉ trích Đức và các nước khác vì sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn năng lượng Nga./.